THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

17/05/2019

Chiều ngày 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng và Phó Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực học đường.

Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu em trai và 4 triệu em gái trực tiếp liên quan đến bạo lực học đường và con số này đang ngày một tăng cao ở tất cả những lớp học và cấp học khác nhau. Đáng nói, những sự vụ bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở các học sinh nam mà thực tế lại có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nguyên nhân đẫn đến đánh nhau rất đơn giản như “nhìn đểu”, xinh hơn bạn, người mới đến, học giỏi, không giúp đỡ bạn làm bài… Cách xử lý thì bằng đủ vật dụng từ giày dép, guốc, cặp sách, ghế ngồi, dây lưng,…điều lo ngại hơn cả là sự thờ ơ của các em, khi chỉ xúm xùm vào quay phim và chụp ảnh bạn tung lên mạng.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2013 đến năm 2015, đã xử lý hơn 25.00 vụ phạm pháp hình sự với 42.000 đối tượng. Trong đó có hơn 75% là thanh niên và học sinh, sinh viên.

Theo số liệu tổng hợp của Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong năm 2016 và 2017 có 28 tỉnh, thành phố có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại, trong đó bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%. Cũng theo đại diện của cơ quan này thông tin thêm, riêng thống kê của ngành Công an, trong quý I/2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội nghị

Xâm hại tình dục trẻ em với các tội danh dâm ô, hiếp dâm trẻ em  vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương. Năm 2018, các Tòa án đã thụ lý 1.307 vụ với 1.383 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 1.140 vụ với 1.203 bị cáo, đạt tỷ lệ 87,2%. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 09 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 64 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 199 bị cáo. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận.

Những số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học với mức độ gia tăng ngày càng cao và hậu quả ngày càng lớn. Đặc biệt tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng nghiêm trọng. Gây bức xúc trong dư luận xã hội nhất là các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình và nhà trường.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập, dẫn đến trong xã hội xuất hiện những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh, lệch chuẩn, lười lao động, thích hưởng thụ; sự bùng bổ công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển nhanh mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với những mặt trái như sống ảo, tội phạm công nghệ cao, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các cá nhân...; tồn tại rất nhiều nội dung xâu độc, xuyên tạc, bịa đặt, tin giả... Bên cạnh đó, giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, phần lớn các em học sinh liên quan đến các vụ bạo lực học đường thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, như: khó khăn về kinh tế, bố mẹ ly thân, ly hôn, mồ côi, đi làm ăn xa; phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật. Tình trạng bạo hành gia đình cũng vẫn còn diễn ra trong 1 số gia đình. Nhiều bậc cha mẹ còn ”khoán trắng” việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường, thiếu sự phối hợp với nhà trường trong việc quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục học sinh.

Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của các em học sinh dẫn đến dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh; các em hiếu động và luôn muốn khẳng định mình; một số em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến hành vi bột phát, thiếu kiểm soát, thiếu chuẩn mực, ý thức chưa tốt; các em chưa lường hết được những ảnh hưởng xấu, hậu quả của những hành vi mình gây ra cho người khác, bản thân và xã hội.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Cùng với đó, một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về  bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác chỉ đạo triển khai còn chậm, chưa theo kịp với nhu cầu thực tế. Nhiều địa phương, nhà trường chú trọng nhiều hơn đến chất lượng dạy và học văn hóa, chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường dẫn đến công tác tham mưu chưa hiệu quả, thực hiện chưa tốt. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của Đoàn, Hội, Đội chưa hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn, phòng, chống bạo lực học đường. Việc thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế, người đúng đầu chưa phát huy dân chủ, năng lực một số cán bộ quản lý hạn chế; một số nhà giáo còn thiếu mẫu mực trong ứng xử, hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, lúng túng trong xử lý tình huống sư phạm. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên đối với các hoạt động/cơ sở giáo dục chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt ché; Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" như ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai những vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội, tuy nhiên ở cơ sở vẫn còn tình trạng thờ ơ, bàng quan, không quan tâm triển khai thực hiện...

Các đại biểu nhận định, Việt Nam với quy mô lớn trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo - tổng cộng chiếm gần 1/4 dân số cả nước, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải là công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.

Theo các đại biểu, để hạn chế được bạo lực học đường nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề. 

Các đại biểu tại hội nghị

Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là sử dụng mạng xã hội facebook, fanpage... đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em như: Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Dự án "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người" giai đoạn 2018 - 2020; Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020”; Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020...

Đồng thời, cần quan tâm thiết lập cơ chế linh hoạt trong xử lý tin báo và giải quyết vụ việc liên quan đến trẻ em trên cơ sở phát huy các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở đã khẳng định hiệu quả; đẩy mạnh hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể trong phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em và tội phạm chưa thành niên theo Chỉ thị số 18 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, phát huy trách nhiệm của các ngành và phát huy thế mạnh của các đoàn thể trong công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là việc quản lý hội viên, đoàn viên, con em trong gia đình không phạm tội, không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức cần làm hết trách nhiệm theo những gì pháp luật quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng cảm ơn các ý kiến thảo luận tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị; tin rằng đây sẽ là những cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề tài khoa học về phòng, chống bạo lực học đường từ lý luận đến thực tiễn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng cho biết, trong thời gian tới Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học về các nội dung liên quan đến lĩnh vực này, trong nó có vấn đề về việc thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường. Để từ đó nhìn rõ những nguyên nhân và đưa ra những biện pháp tháo gỡ./.

Thu Phương