CẦN CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT CHO DI SẢN HUẾ

21/03/2018

Quần thể di tích cố đô Huế được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993. Gần 30 năm với danh hiệu này, câu chuyện bảo tồn cũng như phát huy các giá trị di sản vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về mặt cơ chế, chính sách.

Sống chung với di sản thế giới

Ông Thái Văn Biểu là một trong những hộ gia đình đầu tiên đến sinh sống trên khu vực Thượng thành thuộc Kinh thành Huế ngay từ sau năm 1975. Nếu như ngày trước nơi đây vẫn còn thưa thớt người thì nay tổ dân phố 14 (Phường Thuận Lộc - thành phố Huế) đã có hàng trăm người dân cùng chen chúc sinh sống. Ngôi nhà của ông Biểu được dựng tạm bợ với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 40m2 là nơi ăn, chốn ở của 7 thành viên trong gia đình. Do nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa di sản nên dù rất muốn xây dựng nhà cửa nhưng ông đành chịu vì chính quyền địa phương không cho phép.

“Cứ mỗi lần mưa bão là cả nhà tôi đều đi tản cư đến nơi kiên cố hơn theo vận động của chính quyền. Chủ trương giải tỏa đi nơi khác chúng tôi đã nghe lâu rồi nhưng vẫn chưa thấy gì. Nếu giải tỏa chúng tôi sẵn sàng đi cho an cư, lạc nghiệp”, ông Thái Văn Biểu cho biết.

Nhiều người dân đang sống trên hệ thống Kinh thành Huế với điều kiện sống thấp

Di dân đến ở trên khu vực Kinh thành Huế là câu chuyện mang tính lịch sử. Sau năm 1975, do nhu cầu cấp bách về nhà ở và thời điểm đó Kinh thành Huế vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa thế giới nên nhiều người dân đã tự ý đến dựng nhà cửa ở khu vực này. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay có gần 1200 hộ dân với gần 6000 người đang sống chen chúc, chật chội với điều kiện sống thấp tại khu vực Kinh thành Huế thuộc địa bàn 4 phường của thành phố Huế là: Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc. Do đa phần là hộ nghèo và cận nghèo, trình độ dân trí thấp nên các khu vực từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội của thành phố Huế. Không chỉ là khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước mà vấn đề này tạo áp lực lên hệ thống chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

“Ở đây bà con đa số là đa ngành nghề, toàn là lao động phổ thông như xích lô, xe thồ, đi làm thuê nên việc di dời giải tỏa quá chậm sẽ ảnh hưởng đến đời sống bà con. Nhiều lần tiếp xúc cử tri bà con mong được sớm giải tỏa đến ổn định cuộc sống”, bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Thuận Lộc (thành phố Huế) khẳng định.

Nhiều người dân đang sống trên hệ thống Kinh thành Huế với điều kiện sống thấp

Cần cơ chế đặc biệt để giải tỏa

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là đơn vị quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ trùng tu, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế trong thời gian qua. Theo đơn vị này, dù rất muốn đẩy nhanh trùng tu hệ thống Kinh thành theo khuyến nghị từ UNESCO nhưng vẫn chưa thể thực hiện được do vướng giải tỏa mặt bằng. Việc hàng ngàn người dân sống trên khu vực Thượng thành, xả thải sinh hoạt ra ngoài cùng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế đã khiến nhiều đoạn tường thành bị hư hỏng, vỡ kết cấu. Nếu không được trùng tu kịp thời thì nguy cơ xóa sổ các di tích và khả năng tạo nên các thiết chế văn hóa mới cho Di tích Huế là điều khó có thể thực hiện.

“Trong chuyến công tác đầu năm mới 2018 với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến cơ chế đặc biệt cho di sản Huế. Tôi cho đây là vận hội để phát triển di sản Huế trong giai đoạn tiếp theo. Để làm được điều đó, nhất là trong công tác giải tỏa mặt bằng, ngoài sự hỗ trợ từ Trung ương, vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, nhấn mạnh.

Để giải tỏa hết người dân đang sinh sống trên Kinh thành Huế, ngoài nguồn kinh phí lớn, câu chuyện hậu giải tỏa lại càng quan trọng hơn. Việc bố trí quỹ đất tái định cư gần trung tâm thành phố Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bà con lao động nghèo tiếp tục có điều kiện thuận lợi để mưu sinh. Bên cạnh đó, việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề... cho người dân là điều cần được chú trọng nếu không muốn nguy cơ tái nghèo xảy ra.

“Quần thể di tích cố đô Huế là rất rộng lớn, số lượng người dân sinh sống là rấy nhiều. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo với thành phố, tỉnh về cơ chế đặc biệt, qua đó kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, chia sẻ.

Dự kiến từ ngày 27-30/3/2018, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên và Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tại Quần thể di tích cố đô Huế. Đợt giám sát này được kỳ vọng sẽ lắng nghe, tiếp nhận nhiều ý kiến về thực trạng quản lý di tích cũng như tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, chính sách cho di sản Huế...

Tiểu Bảo