Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc

28/03/2014

Ngày 27/3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện chính sách, pháp luật chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên. Tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng và địa phương phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền thường xuyên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tới các đối tượng vị thành viên, thanh niên. Vĩnh Phúc đã triển khai thí điểm mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; đến nay mô hình đã mở rộng tại 65 xã, phường, thị trấn; duy trì tổ chức hoạt động 29 câu lạc bộ tiền hôn nhân, thu hút hàng nghìn thanh niên tham gia.
 
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động tư vấn, giáo dục ở một số địa phương chưa tốt, không mang lại hiệu quả, tác động làm thay đổi hành vi về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Chưa có loại hình cung cấp dịch vụ, can thiệp sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục riêng cho thanh niên. Cùng với đó, hầu hết các bậc cha mẹ, thầy cô giáo hiện còn lúng túng, chưa có phương pháp giáo dục giới tính hiệu quả cho con em.
 
Qua thống kê cho thấy, Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước; tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh từ 109 bé trai/100 bé gái năm 2003 lên 115 bé trai/100 bé gái năm 2008 và 115,35 bé trai/100 bé gái năm 2012. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Vĩnh Phúc xảy ra ở cả 9 huyện, thị, thành phố. Một trong những nguyên nhân là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao (27,4%) và có chiều hướng ngày càng tăng, bình quân mỗi năm tăng 3,4%. Bên cạnh đó, phong tục tập quán, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề, muốn có con trai nối dõi tông đường vẫn tồn tại phổ biến kể cả trong cán bộ, đảng viên. Tình trạng khám, phát hiện và lựa chọn giới tính xảy ra nhiều năm, không ít gia đình áp dụng, nhưng tỉnh chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.
 
Qua kiểm tra, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Vĩnh Phúc tăng cường giáo dục giới tính trong trường học; tập trung giải quyết những khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên.
 
Vĩnh Phúc có một số khu công nghiệp với khá đông lao động từ nhiều tỉnh, thành khác về đây làm việc, chủ yếu là thanh niên. Mặc dù chính sách, pháp luật đã quy định rõ, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên công nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nữ công nhân khi có con nhỏ rất dễ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do sức khỏe sinh sản không bảo đảm, thường xuyên phải nghỉ việc để chăm sóc, điều trị. Công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp rất cần được Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng trường mầm non, nhà ở cho công nhân...