CẦN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 88 VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

26/09/2020

Cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020, hai vấn đề lớn được nhiều thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề cập là cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, cần có một đề án lớn tổng thể để triển khai Nghị quyết 88 một cách chuẩn hơn.

 

Ngày 25/9, Phiên họp toàn thể lần thứ XIV của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã bế mạc. Trước đó, Ủy ban đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình điều hành phiên họp

Chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án đổi mới CT, SGK GDPT và các đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng trình bày báo cáo kết quả giám sát

Về CT, SGK GDPT, Bộ GD - ĐT đã phê duyệt Chương trình GDPT gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Để thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ đã ban hành quy định về: (i) tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; (ii) tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn SGK; (i) hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; đồng thời thẩm định, phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn; hướng dẫn tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1 để triển khai trong năm học 2020 - 2021.

ĐBQH Chu Lê Chinh cho biết, Lai Châu hiện thiếu 800 giáo viên, thiếu nhiều nhất là giáo viên ngoại ngữ

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, theo báo cáo của Bộ GDĐT, Bộ GD - ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ toàn ngành làm căn cứ để xác định thực trạng thừa, thiếu giáo viên theo môn học, cấp học, từ đó có các giải pháp kịp thời, phù hợp; đồng thời chỉ đạo các trường sư phạm phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới để gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Phúc, chế độ, chính sách hiện nay, khó thu hút giáo viên trẻ, giữ chân giáo viên giỏi

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Bộ GD - ĐT đã yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của từng địa phương; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của chương trình GDPT mới.

ĐBQH Lê Tuấn Tứ đề nghị Bộ GD - ĐT quan tâm sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Báo cáo giám sát ghi nhận vai trò của Chính phủ, bộ ngành trung ương, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương được thể hiện khá rõ trong việc chỉ đạo triển khai. Nhận thức, hành động của các cấp, ngành và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự thống nhất, đồng thuận khá cao trong triển khai, thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT. Quy chế, quy trình biên soạn chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo Luật định, tương đối đầy đủ, khoa học. Việc xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu thành công đối với lớp 1; các nhà xuất bản đang hoàn thiện bản thảo đối với SGK lớp 2, lớp 6 để Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt sử dụng theo lộ trình…

Thiếu giáo viên và cơ sở vật chất

Tuy vậy, việc triển khai Nghị quyết 88 tiến độ còn chậm so với yêu cầu đặt ra đối với một số nội dung; một số địa phương chưa có kế hoạch triển khai chặt chẽ nên một số nhiệm vụ hoàn thành với hiệu quả chưa cao; việc Bộ GD - ĐT chưa biên soạn được một bộ SGK theo yêu cầu, chậm báo cáo Quốc hội, cùng một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn đã phần nào gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết 88.

ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn phòng học/số học sinh

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên vẫn đang là bài toán khó giải đối với nhiều địa phương. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên còn hạn chế về chất lượng ở một số công đoạn; hình thức tập huấn trực tuyến hiệu quả chưa đồng đều, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, những khu vực công nghệ thông tin và điện lưới hạ tầng chưa đáp ứng.

Việc chuẩn bị và đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, cung ứng thiết bị dạy học nhiều nơi còn chậm về tiến độ và thiếu đồng bộ, chưa hợp lý về kết cấu đầu tư; cơ sở vật chất, kỹ thuật và việc bố trí phòng học bộ môn ở các trường học của nhiều địa phương còn bất cập, chưa bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình GDPT mới nói chung và chương trình lớp 1 năm học 2020 - 2021 nói riêng...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo thêm về một số vấn đề được đại biểu quan tâm

Theo các đại biểu, cần có đề án lớn tổng thể để triển khai Nghị quyết 88, bởi Nghị quyết 88 không chỉ là CT, SGK mà còn liên quan đến nhiều chính sách khác, trong đó có chính sách về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hay có thể cả chính sách trợ giá SGK... Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát CT, SGK, thậm chí có sự vào cuộc của khoa học giáo dục để chương trình bảo đảm vừa sức với học sinh từng lứa tuổi cũng như tránh những "hạt sạn" đáng tiếc trong SGK./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác