UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 9

25/04/2019

Ngày 25 - 27/4 tại Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Trong chương trình làm việc ngày 25.4, các đại biểu đã thảo luận về kết quả công tác của Ủy ban từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp thứ 7 và dự kiến công tác đến hết năm 2019, định hướng công tác năm 2020; một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực Văn hóa, Thông tin, Giáo dục, Đào tạo, Du lịch, Thể thao và Trẻ em từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp thứ 7. Theo đó, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, hiệu quả kế hoạch công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Quốc hội, UBTVQH phân công. Thường trực Ủy ban đã chủ động bố trí thời gian, cân đối nguồn lực một cách hợp lý, hạn chế trùng lắp, chồng chéo. Triển khai tích cực, sáng tạo, bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật; giám sát, khảo sát tập trung vào các vấn đề quan trọng phục vụ cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp

Từ nay đến hết năm, Ủy ban chủ trì thẩm tra và tiếp tục hoàn thiện 2 dự án luật: Luật Thư viện và Luật Thanh niên (sửa đổi); tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực do Ủy ban phụ trách trên địa bàn Đồng bằng Nam bộ và các chuyên đề theo kế hoạch năm…

Buổi chiều, các đại biểu cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau khi được ĐBQH thảo luận, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Tại các phiên họp thứ 31 và 32, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và Dự thảo Luật đã được chỉnh lý; tổ chức lấy ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách (tháng 4.2019); gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Các đại biểu cơ bản đồng ý với Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đánh giá cao khi Ban soạn thảo đã cầu thị, nghiên cứu tiếp thu, bổ sung nhiều ý kiến của ĐBQH vào dự thảo Luật lần này. Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) hài lòng khi giáo dục thường xuyên đã được quy định cụ thể, từ hệ thống đến bằng cấp, chính sách… Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, việc dự thảo Luật có quy định về quyền của nhà giáo sẽ giúp giáo viên yên tâm đứng trên bục giảng khi được bảo vệ nhân phẩm và danh dự.

Đồng ý với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, song đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) mong muốn ít đầu sách hơn, sách được đầu tư làm hấp dẫn hơn, bảo đảm nội dung và giáo viên có thể dựa vào đó để đạt mục tiêu giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện phân luồng, liên thông, tránh tình trạng mọi con đường đều dẫn đến trường ĐH…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhấn mạnh, cần đặt đổi mới giáo dục cũng như việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này trong tổng thể chuyển đổi của đất nước, trong đó mọi chính sách đưa ra phải đánh giá tác động và cân nhắc tính khả thi. “Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án luật lớn, được cả xã hội quan tâm. Những ý kiến của các đại biểu tại phiên họp sẽ được xem xét tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng như Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)