UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI: MỘT NĂM NHÌN LẠI

15/02/2018

Với những kết quả nổi bật trong năm 2017, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã góp phần “thổi” thêm luồng sinh khí mới, hoà nhịp trong sự phát triển chung của Quốc hội với phương châm “đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng”.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là: thẩm tra dự án Luật, dự án Pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tôn giáo, du lịch, thể thao trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giám sát việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: “Năm qua Uỷ ban có hai nội dung lớn được xác định nổi bật hơn cả là: xác định đối tượng và địa bàn giám sát theo quy trình chuẩn. Năm qua, địa bàn là vùng cao, đối tượng là văn hóa vùng cao, chế độ chính sách cho giáo viên, hoạt động văn hóa cơ sở...Giám sát chuyên đề được chú trọng.

Về công tác lập pháp, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, năm 2017, về lĩnh vực thể thao và du lịch, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã chủ trì thẩm tra 2 dự án Luật: Luật du lịch (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục thể thao. Dự án Luật du lịch (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2017.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Ủy ban cũng đã đã thẩm tra 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ Giáo dụ - Đào tạo vừa trình Chính phủ đề xuất nhiều quy định mới, tập trung sửa đổi, bổ sung 29 điều. Trong đó, 03 nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, tiền lương của nhà giáo, và không thu học phí của học sinh Trung học cơ sở trường công lập. Các ý kiến tập trung thảo luận về các vấn đề hiện đang được quan tâm và còn nhiều quan điểm khác nhau, như đầu tư cho giáo dục, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, phân luồng giáo dục phổ thông…Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức nhiều Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học và nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị.  

Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lắc Y Tru Alio chia sẻ:Vấn đề tự chủ đại học đang được hiểu theo các cách khác nhau. Hầu hết các trường đều nghĩ tự chủ là ngân sách Nhà nước, Bộ giao về thì tự chủ chi tiêu. Nhưng thực tế là mỗi trường phải xác lập tiêu chí cho mình, đảm bảo chất lượng. Ví dụ mũi nhọn của trường đó là gì, đào tạo phải đảm bảo chuẩn chất lượng theo khung trình độ gì, chứ không chỉ vấn đề tài chính”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:  “Sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này là để mở rộng tự chủ trên toàn hệ thống. Trên cơ sở đó đẩy mạnh sự sáng tạo, năng động của các trường để nâng cao chất lượng đào tạo  và tăng cường hội nhập quốc tế. Với lần sửa đổi Luật lần này, tự chủ đại học sẽ được mở rộng toàn diện hơn trên toàn hệ thống và các phương diện. Các trường sẽ được tự chủ về chuyên môn, cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản”.

Về công tác giám sát, Ủy ban đã tổ chức hai chuyên đề: Chuyên đề “Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016”. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban đã tổ chức khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học”. Trên cơ sở làm việc với một số chuyên gia và khảo sát tại một số cơ sở giáo dục đại học, Thường trực Ủy ban đã xây dựng Báo cáo khảo sát trình Ủy ban thảo luận, thông qua tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Sau 3 năm triển khai thí điểm tự chủ, còn nhiều vấn đề đặt ra như: tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả. Thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tự chủ đại học đạt hiệu quả cao nhất”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: "Bây giờ chúng ta có một loạt các trường tốt tự chủ thì lấy cái bộ quy chế mẫu đó để các trường nghiên cứu. Phải trình lên được, Bộ trưởng phải trình Thủ tướng vì quyết định điều lệ của các trường đại học là Thủ tướng ban hành, kèm thêm một phụ lục các yêu cầu của Bộ quy tắc ứng xử trong trường như một bộ luật chi tiết, đo được, đếm được để giám sát trong nội bộ và giải trình với xã hội".

Một trong những điểm nổi bật trong năm qua được Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chỉ đạo là tổ chức Tọa đàm “Điện ảnh Việt Nam - thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay”. Thị phần rạp chiếu phim của Việt Nam hiện nay bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối, trong đó lớn nhất là CGV 43% và Lotte 20% (cùng của Hàn Quốc). Vì thế, một số ý kiến đề nghị Nhà nước cần đưa ra những chính sách điều tiết, có kế hoạch tổng thể, dài hạn để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh toàn diện, có sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải giữ được sự cân bằng, an toàn cần thiết cho phim Việt Nam. Phim Việt hiện chiếm khoảng 20 - 30% thị phần về doanh thu, con số này có thể tăng được lên 40 - 50% nếu như có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách của Nhà nước và được cạnh tranh sòng phẳng, không bị chèn ép hoặc áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho biết:Luật Điện ảnh được ban hành 2006. Ngành điện ảnh Việt Nam hơn 60 năm qua đã thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật vừa phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lại vừa phải đảm bảo tôn chỉ mục đích, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức xã hội. Làm thế nào để phát triển được điện ảnh theo định hướng của Đảng và Nhà nước”.

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các đại biểu, nghệ sĩ, giúp Thường trực Ủy ban cũng như các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, hiểu rõ tình hình, từ đó có những kiến nghị, đề xuất trong quá trình xây dựng pháp luật, để tạo động lực cho nghệ sĩ sáng tạo, yên tâm cống hiến, hướng đến mục tiêu lớn nhất là vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. 

Một điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong năm 2017 chính là việc tổ chức thành công hội thảo Chất lượng Giáo dục phổ thông vào tháng 9/2017. Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục trong nước và ngoài nước và tạo được sự đồng thuận cao. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đóng góp có chất lượng nhằm đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục và được dư luận đánh giá cao. Chất lượng giáo dục phổ thông là một chủ đề lớn luôn được xã hội quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi. Hội thảo được triển khai thành hai mảng lớn. Phần báo cáo chung được trình bày qua những nội dung chính: Phần một về khuynh hướng giáo dục trên thế giới và những vấn đề của Việt Nam, quản lý giáo dục phổ thông tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm từ thực tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Phần thứ hai tập trung thảo luận các nội dung về chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên và quản lý trong giáo dục phổ thông. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn; việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; yêu cầu về môi trường làm việc, chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; mô hình trường phổ thông, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông… Những nội dung được thảo luận tại hội thảo Giáo dục phổ thông 2017 chính là các vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành giáo dục Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân - chuyên viên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ: “Năm qua, tôi thực sự ấn tượng với Hội thảo Giáo dục phổ thông vào tháng 9/2017. Đây là lần đầu tiên Ủy ban tổ chức một hội thảo lớn như thế, quy tụ được hơn 100 chuyên gia. Đặc biệt có các nhà giáo ở các vùng miền, họ nói tiếng nói của cơ sở, nói được thực trạng, đề ra giải pháp cho giáo dục phổ thông hiện nay. Qua đó, tạo nên diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đồng thời cung cấp được nhiều thông tin cho các đại biểu Quốc hội rất có ý nghĩa”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho biết:Ngành giáo dục có đặc thù vì mỗi sự thay đổi đều có tác động tới toàn xã hội. Để những đổi mới của ngành giáo dục thành công thì việc tạo ra sự đồng thuận của xã hội là rất quan trọng. Những đổi mới phải được phổ biến, công khai”.

Căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, trong năm 2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được phân công chủ trì thẩm tra 03 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2018; tổ chức thẩm tra chính thức tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 5 vào tháng 4/2018 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh:Đây là hai dự án Luật lớn, quan trọng, là nền tảng cho giáo dục Việt Nam, với sức ép về thời gian và yêu cầu của xã hội, Uỷ ban đang trong quá trình trao đổi lại với Bộ, xem vấn đề gì cần sửa trước khi trình. Uỷ Ban xác định phải chuẩn bị báo cáo thẩm tra thật tốt. Năm 2018, Uỷ ban sẽ chú trọng tới chất lượng các cuộc giám sát”.

Dự kiến, Ủy ban sẽ phối hợp với cơ quan Ban soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật; xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về một số nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh; Thường trực Ủy ban tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trình tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (8/2018), trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (10/2018). Ủy ban tổ chức  giám sát tổng hợp việc thực hiện chính sách,  pháp luật về các lĩnh vực do Uỷ ban phụ trách tại khu vực miền Trung: dự kiến tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Bình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng khẳng định:Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tiếp tục truyền tải được những tiếng nói của người dân tới Quốc hội cũng như những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội tới người dân”.

Về giám sát, khảo sát, Ủy ban sẽ tổ chức giám sát 02 chuyên đề: đối với lĩnh vực giáo dục, đó là: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với Luật giáo dục”; đối với lĩnh vực đào tạo và dạy nghề đó là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với Luật giáo dục đại học”; trong lĩnh vực văn hóa, thông tin đó là: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế”. Nhằm nắm bắt hoạt động trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách, tham gia công tác xây dựng Luật một cách hiệu quả, chất lượng, năm 2018, ngoài tổ chức các hội nghị chuyên để phục vụ công tác lập pháp, giám sát, Ủy ban dự kiến tổ chức hai hội thảo: Hội thảo Văn hóa 2018 (Phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội) và Hội thảo Giáo dục 2018 (Phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Theo dự kiến thì luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2018 và sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10/2018./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam