MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI NGHỊ THAM VẤN Ý KIẾN XÂY DỰNG LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

27/02/2020

Ngày 27/02, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tham vấn ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội một số địa phương, cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực thanh niên...

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) với 6 Chương và 62 Điều. Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia tâm huyết và được nghiên cứu, chỉnh lý nhiều lần, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) hiện có bố cục gồm 7 Chương và 45 Điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Việc tiếp thu ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là việc làm rất có ý nghĩa để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của thanh niên, xây dựng một thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có ý chí vươn lên, có tri thức, có sức khỏe trở thành nguồn nhân lực chất lượng của đất nước

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại hội nghị:

Toàn cảnh hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật dựa trên cơ sở quy định những vấn đề phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, cùng với đó vẫn đảm bảo đồng hành với xu hướng phát triển của thanh niên thế giới

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, thanh niên là một tầng lớp người trẻ là lực lượng xung kích trong xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống nhà nước và đời sống kinh tế - xã hội

Để huy động và phát huy tiềm năng của thanh niên, thúc đẩy sự tham gia đóng góp của thanh niên cho sự phát triển của quốc gia, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần thể hiện được hơi thở của thời đại, những đòi hỏi của thời kỳ mới như các vấn đề đề cao quyền con người, quyền công dân; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề dân tộc và hội nhập quốc tế...

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với cách tiếp cận của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi); cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có nhiều bước tiến, các quy định về các vấn đề này trong dự thảo nhìn chung đã phù hợp, có sự đầu tư công phu, thể hiện là một đạo luật gốc mang tính chính trị, pháp lý làm nền tảng cho việc xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với thanh niên

Liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các đại biểu nhấn mạnh, phần lớn luật thanh niên của các quốc gia trên thế giới đều có quy định các chính sách thanh niên. Tuy nhiên, không liệt kê cụ thể, chi tiết mà quy định những chính sách chung, mang tính chất định hướng

Từ kinh nghiệm quốc tế, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu cho rằng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng cần có quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Các chính sách này cần được quy định một cách khái quát, điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng của sự phát triển thanh niên

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định việc xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) không chỉ nhằm sửa đổi nhằm làm tốt hơn Luật Thanh niên, mà còn cần hướng tới các vấn đề quan trọng là chuẩn bị cho lực lượng trẻ để tạo điểm chuyển cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới và bước vào hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tự tin nhưng vẫn giữ được truyền thống dân tộc

Thu Phương