TIẾP THU, GHI NHẬN NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

20/08/2019

Chiều ngày 19/8, Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tiếp tục lắng nghe những ý kiến thảo luận, góp ý từ phía các đại biểu, chuyên gia.

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, thanh niên là lực lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vì vậy, công tác phát triển thanh niên luôn được các quốc gia quan tâm và đến nay đã trở thành một xu thế toàn cầu với 142/196 quốc gia có chính sách riêng về thanh niên và 43/196 quốc gia có Luật riêng về thanh niên.

Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò của thanh niên, Việt Nam đã xây dựng Luật Thanh niên 2005 với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành, luật đã bộc lộ những hạn chế trong công tác thi hành mà nổi bật nhất là chưa thấy rõ tác động của Luật trong đời sống xã hội và đặt ra yêu cầu phải sửa đổi. Để xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005, bên cạnh việc đánh giá điều kiện, tình hình thực tiễn về thanh niên và công tác thanh niên ở trong nước, các đại biểu cho rằng còn cần phải có sự tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng chính sách, pháp luật thanh niên.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Theo ThS.Nguyễn Tuấn Dũng - Viện Nghiên cứu Thanh niên, trong số các quốc gia được lựa chọn để tham khảo quy định về Luật Thanh niên, ngoại trừ Malaysia, các Luật Thanh niên của các quốc gia đều làm rõ vấn đề mục đích phát triển thanh niên trong luật.

Do đều đang trong thời kỳ “dân số vàng” và cơ hội tận dụng dư lợi dân số, Luật Thanh niên của các quốc gia này quy định mục đích chung là tạo ra và phát huy những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển và sự đóng góp xã hội của thanh niên. Mục đích này luôn được quy định rõ ngay trong Luật Thanh niên, làm cơ sở cho việc xây dựng và vận hành hệ thống chính sách cũng như cơ chế thực hiện công tác thanh niên. Bên cạnh đó, ở những quốc gia phát triển như Australia, Luật về Thanh niên và Trẻ em cũng xác định rất rõ mục đích và dành những điều khoản riêng để quy định vấn đề mục đích của luật. Trong đó, mục đích chính là đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh và bền vững của thanh niên, khuyến khích sự phát triển của thanh niên.

Quan tâm đến vấn đề độ tuổi trong Luật Thanh niên, các đại biểu cho biết, kết quả tổng hợp về định nghĩa “thanh niên” trong pháp luật của 195 quốc gia trên thế giới cho thấy, chỉ có 13/195 quốc gia (6,7%) quy định độ tuổi thanh niên bắt đầu từ 18 tuổi; trong khi đó, có tới 127/195 quốc gia (65,1 %) quy định độ tuổi thanh niên bắt đầu từ14, 15, 16 tuổi. Điều này cho thấy việc Việt Nam quy định độ tuổi thanh niên bắt đầu từ đủ 16 tuổi như hiện nay là tương đối phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia khác trên thế giới.

Về vấn đề chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các chính sách mà nhà nước dành cho thanh niên đã được qui định tại các văn bản chuyên ngành như: Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động; Luật Việc làm; Luật khám, chữa bệnh…. Cách qui định về chính sách đối với thanh niên như trong Dự thảo hiện nay sẽ có những hạn chế là một số chính sách của nhà nước dành cho thanh niên đã được các luật chuyên ngành khác quy định, ví dụ: chính sách cung cấp thông tin về thị trường lao động, vay vốn giảm nghèo, đưa thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Điều 16 Dự thảo đã được quy định trong Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, Ban soạn thảo có thể cân nhắc quy định các nhóm chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên theo các hướng như: nguyên tắc của chính sách hoặc thực hiện chính sách; đảm bảo sự hỗ trợ thanh niên tiếp cận chính sách; đề xuất các chính sách cụ thể, các chính sách cho từng đối tượng thanh niên mà các luật khác chưa quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định thêm trách nhiệm cụ thể của một số bộ, ngành có liên quan nhiều trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên trong một số lĩnh vực quan trọng, chủ yếu, ví dụ như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế… để giúp cho việc thể chế, thực thi các quy định của Luật Thanh niên (sửa đổi) được kịp thời và có tính khả thi hơn trong cuộc sống.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, việc chỉnh sửa Luật Thanh niên dựa trên Hiến pháp 2013, Hiến pháp 2013 đặt ra rất rõ về quyền con người, quyền công dân, và các luật cần rà lại để hoàn chỉnh; Luật hiện hành có thể nói là chưa đi vào cuộc sống; trong thời đại toàn cầu hóa, thanh niên cũng như cơ chế quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, phải nhìn lại và có sự chuẩn bị cho lực lượng công dân trẻ... Tuy nhiên, sửa Luật Thanh niên là không dễ, vì chồng chéo với nhiều luật, và có nhiều vấn đề cần cân nhắc. Ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại hội nghị; Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, những ý kiến đóng góp tại hội nghị hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới./.

Thu Phương