HỘI THẢO GÓP Ý LUẬT THANH NIÊN (SỬA) ĐỔI TẠI ĐÀ NẴNG

01/08/2019

Ngày 01/8 tại Đà Nẵng, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”. Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban, chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tại buổi hội nghị, các đại biểu tập trung vào Quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Có ý kiến cho rằng gắn quyền và nghĩa vụ của thanh niên với chính sách nhà nước như dự thảo Luật là chưa hợp lý. Thay vào đó nên gắn chính sách với trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội thì chặt chẽ hơn. Các đại biểu còn chỉ ra một nhược điểm rằng: các chính sách của nhà nước trong các lĩnh vực học tập, lao động, khởi nghiệp, văn hoá nghệ thuật…đối với thanh niên chỉ là sự lặp lại các chính sách đã được quy định trong các luật chuyên ngành…

Theo một số đại biểu, việc quy định Quyền của thanh niên như trong dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn còn chung chung, áp dụng cho mọi công dân chứ không riêng gì thanh niên. Các đại biểu cho rằng xây dựng nội dung này cần tiếp cận theo các lĩnh vực của đời sống nhà nước và đời sống kinh tế xã hội để tìm kiếm các quyền có tính đặc thù cho đối tượng thanh niên, đặc biệt là Quyền tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội. Các nội dung liên quan đến thanh niên được quy định trong luật pháp của các nước như Rumani, Látvia, Bungaria, Indonesia cũng được các đại biểu dẫn chứng, tham khảo cho những góp ý liên quan đến dự thảo Luật thanh niên sửa đổi.

Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”

 “Trắng đoàn viên” tại các cơ sở Đoàn là 1 trong những nội dung các đại biểu đề nghị cân nhắc trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Thực tiễn hiện nay cho thấy các cơ quan hành chính sự nghiệp gần như không tuyển dụng biên chế mới. Và phần lớn đoàn viên ở các cơ sở này là trên 30 tuổi. Còn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, đối tượng thanh niên từ 16-30 tuổi cũng vắng bóng khá nhiều. Vì điều kiện mưu sinh nên nhóm đối tượng này tập trung tại các khu công nghiệp, các thành phố lớn. Cho nên những hoạt động cần sự tham gia của lực lượng thanh niên ở nhiều địa phương sẽ bị hạn chế.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị cần cụ thể hoá Khoản 2, điều 37 của Hiến pháp 2013 về Quyền và nghĩa vụ của thanh niên với những tính chất đặc thù. Đặc biệt là phải thực sự xây dựng được những cơ chế chính sách riêng cho thanh niên. Đây là điều mà những thế hệ người làm công tác thanh niên mong mỏi.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật lần này cần bổ sung quyền mang tính đặc thù về thanh niên trên các mặt như: Quyền được bảo hộ tính mạng khi tham gia tố tụng hình sự không bị bức cung; Quyền bí mật đời tư; Quyền được góp ý kiến, kiến nghị, đối thoại; Quyền tự do kinh doanh; Quyền của thanh niên di cư... Tương ứng với các quyền này phải quy định cụ thể, rõ ràng, mang tính đặc thù của thanh niên. Không dùng các cụm từ “Nhà nước khuyến khích”, mà là “Nhà nước quy định nội dung, cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh đánh giá cao và ghi nhận những góp ý của các đại biểu đồng thời tổng hợp trình Quốc hội xem xét./.

Mỹ Phượng