ĐỀ XUẤT ĐƯA LUẬT THƯ VIỆN VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT

15/09/2018

Sáng 14/9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về việc thi hành Pháp lệnh Thư viện đã làm việc với Thư viện Tạ Quang Bửu, thuộc Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đây là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật trên toàn quốc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện nay, Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa HN có 06 phòng đọc chuyên ngành, 02 phòng mượn và 01 phòng máy tính 398.464 bản sách của 99.278 đầu sách; 1769  đầu tạp chí; 03 cơ sở dữ liệu điện tử; 16.050 cuốn đầu tài liệu luận án ( tài liệu nội sinh)…

Trong bối cánh phát triển của Khoa học công nghệ ứng dụng vào Thư viện rất mạnh mẽ, Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chủ động trong việc nghiên cứu và tiếp cận tới công nghệ để thay đổi hoạt động của mình. Đơn vị bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Thư viện từ 1995.

Căn cứ hiện trạng hoạt động của đơn vị và nhu cầu của hoạt động cung cấp thông tin về lĩnh vực kỹ thuật trong giai đoạn mới, năm 2017, Thư viện Tạ Quang Bửu đã tổ chức kho mở, phòng đọc chuyên ngành tự chọn từ 2007; tổ chức kho mượn tự chọn từ đóng – bán mở và kho mở hoàn toàn vào năm 2017 để giúp sinh viên tiếp cận kho sách và chủ động lựa chọn tài liệu, thay đổi phương thức phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viện mượn sách và học tập trên thư viện phù hợp với đào tạo tín chỉ. Thời gian phục vụ linh hoạt : Mở cửa phục vụ từ 8 - 21h hằng ngày cả thứ 7 và chủ nhật. Bố trí nhiều không gian mở như khu tự học, phòng học nhóm, thuận lợi cho sinh viên năm cuối sử dụng tài liệu phục vụ cho làm đồ án tốt nghiệp. Thư viện cũng đã nâng cấp, phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện theo hướng tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại: Xây dựng thư viện số truy cập từ xa, truy cập qua thiết bị di động,   

Với mục đích nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc khai thác trực tuyến các CSDL trong lĩnh vực kỹ thuật của đơn vị, năm 2016, Thư viện đã chủ động đề xuất với Ban Giám hiệu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động thư viện, trong đó có phần mềm thư viện điện tử tích hợp, quản lý hơn 70.000 bản ghi thư mục, 30.000 bạn đọc, quản lý các quy trình nghiệp vụ thư viện, có thể thực hiện mượn trả tự động với trên 100.000 lượt phục vụ mượn về. Đồng thời, ứng dụng và triển khai các công nghệ Bacode, RFID trong tổ chức kho, quản lý, kiểm kê tài liệu, mượn, trả tự động ... góp phần quản lý lượt bạn đọc sử dụng phòng đọc ngày càng hiệu quả.

Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Hà Thị Huệ báo cáo trước Đoàn khảo sát

Nhằm tăng cường chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện trong nước với các thư viện nước ngoài, Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa HN còn chủ động phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học công nghệ các trường đại học kỹ thuật xây dựng Liên hiệp chia sẻ bổ sung chung nguồn cơ sở dữ liệu  điện tử; cùng phối hợp với Thư viện Đại học quốc gia Hà Nội xây dựng và phát triển thư viện số dùng chung trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Thư viện Tạ Quang Bửu còn phối hợp với các nhà xuất bản, cơ quan thông tin – thư viện  trên thế giới tổ chức hội  thảo, giới thiệu khai thác cơ sở dữ liệu điện tử, chia sẻ thông tin.  hàng năm Thư viện nhận khoảng gần 2.000 tài liệu từ quỹ châu á và các tổ chức cá nhân. Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa HN Hà Thị Huệ cho biết, Thư viện Tạ Quang Bửu là thư viện đầu tiên trong cả nước tham gia vào mạng lưới thư viện máy tính toàn cầu OCLC. mmk

Đại diện Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa HN cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động của mình nhằm phát triển, đẩy mạnh văn hóa đọc, đơn vị đã mạnh dạn đổi mới tư tưởng: “coi bạn đọc la khách hàng”, chăm sóc cho bạn đọc như một khách hàng. Trên nền tảng đó mà thay đổi từ tinh thần làm việc, thái độ dịch vụ chăm sóc bạn đọc.

Không chỉ vậy, với nền tảng kỹ thuật về công nghệ sẵn có, Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa HN đã đặc biệt chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện số hoá các nguồn tài liệu. Hiện nay, đơn vị đang được đánh giá là Thư viện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa Thư viện. Đại diện Thư viện Tạ Quang Bửu cũng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ thực hiện giao tiếp với bạn đọc qua email nhiều hơn, góp phần thực hiện thành công việc chăm sóc bạn đọc từ xa.

Tuy nhiên, Thư viện còn gặp khó khăn về bậc lương cho ngạch Thư viện thấp. Chế độ độc hại trong ngành thư viện được thực hiện nhưng còn chưa triệt để có thư viện được đầy đủ có thư viện chưa đủ về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tối nguy hiểm, độc hại được thực hiện theo quy định. Mô hinh Thư viện đại học hiện đang là điểm sáng, phát triển rất mạnh nhưng cũng là đang hoạt động tự mày mò. Một số thư viện đã thực hiện thành công Thư viện số, nhưng không dám làm mạnh vì sợ vi phạm luật.

Từ thực tiễn đó, Thư viện Tạ Quang Bửu kiến nghị Quốc hội quan tâm, sớm đưa Luật Thư viện vào chương trình xây dựng Luật và thông qua, ban hành trong thời gian sớm nhất. Nhất là, cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho hệ thống thư viện đại học thành từng nhóm: kỹ thuật, kinh tế, ngôn ngữ... nhằm tạo đột phá trong hoạt động ngành thư viện đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa cho rằng, hiện hệ thống hơn 200 thư viện ở nước ta đang hoạt động dàn trải, thiếu liên kết, nguồn lực của đất nước không thể phân bổ đủ được. Do vậy, Đoàn khảo sát ghi nhận và rất hoan nghênh, ủng hộ ý tưởng đầu tư có trọng điểm, trọng tâm cho các thư viện đầu tầu trong từng lĩnh vực như Thư viện Tạ Quang Bửu đề xuất.

Đoàn khảo sát cũng đánh giá rất cao cánh làm của Thư viện Tạ Quang Bửu khi coi bạn đọc là khách hàng và chăm sóc cho bạn đọc như một khách hàng. Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa cho rằng, đây là điểm mạnh mà các thư viện của Việt Nam nên noi theo. Đoàn khảo sát mong muốn trong thời gian tới, Thư viện Tạ Quang Bửu- Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh, đổi mới phương thức hoạt động, để đáp ứng nhu cầu của độc giả; không ngừng đẩy mạnh cơ liên kết, chia sẻ thông tin với các thư viện trong nước để giảm tải cơ sở vật chất, tránh lãng phí, cùng nâng cao hiệu quả hoạt động…

Thu Phương