HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THƯ VIỆN ĐÃ BỘC LỘ MỘT SỐ HẠN CHẾ

13/09/2018

Thực hiện kế hoạch thẩm tra Dự án Luật Thư viện, ngày 13/9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa đã có buổi làm việc với Thư viện Quốc gia về việc thực hiện Pháp lệnh Thư viện.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Thư viện Quốc gia 

Báo cáo về việc thi hành Pháp lệnh Thư viện, Giám đốc Thư viện Quốc gia Kiều Thúy Nga cho biết: Việc ban hành Pháp lệnh Thư viện cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và thống nhất cho hoạt động thư viện phát triển. Các quy định hiện hành nhìn chung phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế, tạo nền móng cho hoạt động thư viện Việt Nam có khả năng hội nhập với hoạt động thư viện trong khu vực và thế giới; đồng thời là công cụ quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về thư viện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thư viện đã bộc lộ một số hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp lệnh hiện hành, nhiều nội dung quy định không còn đáp ứng với yêu cầu phát triển của hoạt động thư viện, thiếu một số nội dung chưa được quy định. Quy định về chính sách của Nhà nước đối với thư viện còn chung chung, dàn trải, chưa rõ ràng, nên các chính sách của Nhà nước chưa thực sự đi vào thực tiễn của hoạt động thư viện. Quy định về phân loại thư viện thành 2 loại hình chính (Thư viện công cộng; thư viện chuyên ngàng, đa ngành) tại Điều 16 Pháp lệnh Thư viện là chưa hợp lý, gây nhiều khó khăn cho chính cơ quan quản lý về thư viện cũng như hoạt động của chính các thư viện ở nước ta.

Lãnh đạo Thư viện Quốc gia kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Thư viện

Giám đốc Thư viện Quốc gia Kiều Thúy Nga cũng cho biết: Thư viện Quốc gia từ vốn tài liệu ban đầu là 67.000 bản sách của Thư viện Trung ương Đông Dương, đến nay đã xây dựng nên vốn tài liệu lớn nhất cả nước tới trên 2,5 triệu đơn vị tư liệu. Bên cạnh vốn tài liệu thu nhận qua nguồn lưu chiểu, Thư viện Quốc gia tiếp tục duy trì các mối quan hệ trao đổi tài liệu mật thiết với 132 đơn vị của 33 quốc gia trên thế giới, tăng cường khai thác tài liệu ngoại văn có chất lượng. Trung bình mỗi năm, Thư viện Quốc gia cấp 15.000 thẻ bạn đọc, phục vụ trên 6.500 lượt bạn đọc/ngày tại trụ sở thư viện và gần 3.000.000 lượt bạn đọc đọc trực tuyến qua website: www.nlv.gov.vn được hiển thị bằng 03 ngữ: Việt-Anh-Pháp của Thư viện Quốc gia.

Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm trong hoạt động thư viện vẫn còn nhiều, vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền tác giả tại các thư viện như: Sao chụp tài liệu, số hoá toàn văn tài liệu và chuyển lên mạng với mục đích rao bán mà không có ý kiến đồng ý của tác giả. Nguồn sách bổ sung vào thư viện chưa được quy định chặt chẽ, có hiện tượng nhiều nơi thiếu sự quản lý của Nhà nước. Lưu chiểu là quy định bắt buộc đối với các nhà xuất bản tham gia vào hoạt động sản xuất và phổ biến xuất bản phẩm. Chế độ nộp lưu chiểu do các nhà xuất bản thực hiện chưa đầy đủ về thời gian quy định và thiếu về số lượng. 

Nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho thư viện hoạt động hiệu quả, tạo đà cho ngành thư viện phát triển đồng thời phù hợp với xu thế chung trong khu vực và thế giới, Giám đốc Thư viện Quốc gia Kiều Thuý Nga kiến nghị: Sớm ban hành Luật Thư viện, trong đó một trong những nội dung quan trọng là phân chia loại hình thư viện cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các thư viện, chứ không dựa vào chủ thể đầu tư. Thư viện Quốc gia cần được coi là loại hình thư viện đặc biệt không nằm trong loại hình thư viện công cộng như hiện nay, đồng thời cần phải được vận hành theo xu thế chung của các thư viện quốc gia thế giới.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Đa số các ý kiến trong đoàn khảo sát nhất trí cao với báo cáo của lãnh đạo Thư viện Quốc gia, đồng thời đề nghị, Thư viện Quốc gia tiếp tục cung cấp thông tin, làm rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng cần thiết của thư viện với văn hóa nước nhà, cũng như sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó làm rõ thêm, phân tích sâu hơn, kỹ hơn về những thuận lợi, đặc biệt là những khó khăn của ngành thư viện hiện nay. Qua khảo sát tại một số địa phương, hiện nhiều thư viện hoạt động cầm chừng, hình thức, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đầu tư phát triển mạng lưới thư viện, đặc biệt là mạng lưới thư viện phục vụ nông thôn, mạng lưới thư viện trường học rất thiếu và yếu kém…Còn thiếu hoạt động thư viện trên mạng internet.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001 đã mở ra thời kỳ phát triển mới của thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, bên cạnh mặt tích cực, Pháp lệnh cũng như văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy bức thiết cần được khái quát hóa và quy định ổn định lâu dài trong Luật. Tuy nhiên, để Dự án Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đề nghị Thư viện Quốc gia tiếp tục phối hợp, làm rõ các vấn đề về cơ chế, chính sách của hoạt động thư viện hiện nay. Phó Chủ nhiệm đề nghị, trước xu thế hội nhập của cách mạng công nghiệp 4.0, Thư viện Quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh liên thông hệ thống thư viện trong nước, hợp tác quốc tế, số hóa, đổi mới hoạt động để thu hút độc giả, qua đó khẳng định được vai trò, vị trí đầu tàu của mình đối với hệ thống thư viện trong cả nước./.

Lê Phương