MIỄN HỌC PHÍ CHO HỌC SINH THCS CÔNG LẬP

10/07/2018

Theo Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 về Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp giữa Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ với Bộ GD & ĐT vào sáng 06/7, nhiều quy định liên quan đến tài chính và học phí đã được Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi.

Toàn cảnh phiên họp

Thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV về Luật Giáo dục (sửa đổi), đại diện Ban soạn thảo-Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD & ĐT Lê Thị Kim Dung cho biết, về  các quy định liên quan đến đầu tư và tài chính giáo dục, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu để có cách hiểu đúng và đủ về xã hội hóa trong giáo dục, từ đó có những quy định phù hợp để thu hút và đa dạng hóa các nguồn thu cho giáo dục; thúc đẩy xã hội hóa trong giáo dục; tách bạch giữa hoạt động giáo dục với hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, quy định chặt chẽ hơn về tài chính của cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Điều 66, Điều 67, Điều 105, cân nhắc từ “tích lũy hợp lý” để tránh được việc lạm thu trong các trường ngoài công lập, đặc biệt là cấp mầm non. Đề nghị cụ thể hóa các quy định vốn pháp định, thủ tục góp vốn, định giá tài sản vốn góp; chuyển nhượng góp vốn, nguồn thu, các khoản chi của các loại trường.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng phát biểu ý kiến tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, đại diện Ban soạn thảo-Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD & ĐT Lê Thị Kim Dung cho biết, Bộ GD & ĐT đã sắp xếp, bổ sung các quy định vào dự thảo Luật nhằm thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ tài chính, sở hữu tài sản và chuyển nhượng vốn trong các trường ngoài công lập.

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, những vấn đề tách bạch giữa hoạt động giáo dục với hoạt động kinh doanh sẽ được thể hiện chủ yếu trong các quy định về tài sản, tài chính của các loại hình trường ngoài công lập. Đồng thời nâng mục 2 Chương 7 Đầu tư cho giáo dục thành một chương riêng và bổ sung một số quy định cụ thể.

Miễn học phí cho học sinh THCS công lập

Đối với nội dung chính sách đối với người học, học phí, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông; có lộ trình để thực hiện miễn học phí cho các cấp học này, trước hết là mầm non 5 tuổi, tiểu học và trung học cơ sở. Bảo đảm công bằng cho đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề: đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhà giáo. Đề nghị nghiên cứu trường hợp người học sư phạm mà không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm cho ngành sư phạm.

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ GD & ĐT cũng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung dự thảo được sửa đổi theo hướng thay thế quy định về phân công công tác đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển bằng chính sách ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức là hợp lý. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, có biện pháp đảm đảm bảo chất lượng cử tuyển.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, đề nghị quy định trách nhiệm về tài chính của nhà nước, hỗ trợ học phí cho từng cấp học, cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung trường hợp được miễn giảm học phí để làm căn cứ thực hiện. Đề nghị giữ tên gọi là học phí, và làm rõ khái niệm học phí và dịch vụ giáo dục.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định miễn học phí học sinh trung học cơ sở trường công lập; quy định chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm. Nghiên cứu để bổ sung tại các văn bản dưới Luật các vấn đề sau đây: chính sách tuyển dụng đối với nhà giáo, trường hợp người học sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm trong ngành sư phạm, công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, công tác tuyển sinh, đào tạo sư phạm đủ theo nhu cầu sử dụng giáo viên.

Các đại biểu tại phiên họp

Ngoài ra, dự thảo Luật bố sung 01 khoản quy định biện pháp hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Dự thảo Luật quy định học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo: Hiện nay, cơ chế thu học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá, theo đó về nguyên tắc học phí phải tính đủ chi phí đào tạo. Tuy nhiên, do giá dịch vụ giáo dục hiện nay (học phí) ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nên mức học phí này sẽ thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thống nhất sử dụng từ học phí (Không dùng cụm từ Giá dịch vụ giáo dục đào tạo) đồng thời quy định mức thu học phí thực hiện lộ trình tính đủ chi phí giáo dục đào tạo như quy định tại Nghị định 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao./.

Thu Phương