Quy định chặt chẽ quyền khiếu nại tố cáo trên báo chí

22/03/2016

Tiếp tục chương trình làm việc thứ kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Đại biểu Hà Minh Huệ- Bình Thuận phát biểu tại Hội trường                                                          Ảnh: Đình Nam

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhận định, bản dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này đã tiếp thu được nhiều ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 10. Bố cục chặt chẽ hơn, giải thích từ ngữ rõ ràng hơn và các điều luật, các chương được bố trí một cách hợp lý hơn. Dự thảo Luật báo chí sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 gồm 6 chương, 61 điều, quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Khẳng định rõ vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam

Đại biểu Hà Minh Huệ- Bình Thuận hoan nghênh việc dự thảo Luật đã quy định rõ Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Vì theo đại biểu phân tích, cho đến nay một số người vẫn cho rằng đây là tổ chức nghề nghiệp đơn thuần, cũng không thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn, cho nên không có ưu tiên, ưu đãi gì. Trong khi đó trên thực tế, cũng có một số tổ chức nhân danh người làm báo, nhưng không phải là tổ chức chính trị, xã hội- nghề nghiệp mà là một tổ chức tự do. Do vậy, việc dự thảo Luật khẳng định rõ vị trí, vai trò của Hội nhà báo là cần thiết và tạo điều kiện cho báo chí nước ta cơ hội phát triển.

Cũng quan tâm đến vị trí, vai trò của Hội Nhà báo, đại biểu Huỳnh Văn Tính- Tiền Giang đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ "là tổ chức chính trị, xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam" vào trước cụm từ "được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội", nhằm khẳng định thêm tính chất chính trị của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong hoạt động báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội được tốt hơn.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính- Tiền Giang

Đại biểu cũng cho rằng, để quy định được rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội nhà báo tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức và thực thi trong thời gian tới, nên tách quy định tại hai khoản điều này thành hai điều riêng biệt quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Nhà báo. Tại Khoản 2 điều này đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc Hội Nhà báo tham gia thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí tham gia xét khen thưởng, xử lý vi phạm cơ quan báo chí và người làm báo, xem xét việc cấp thẻ nhà báo. Bởi lẽ, việc này đã có quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện nội dung này còn tùy thuộc vào nhiều địa phương, có nơi đã thực hiện tương đối tốt, nhưng có nơi không thực hiện được. Do vậy, cần bổ sung vào luật nội dung này để tạo điều kiện cho Hội thực hiện đúng quyền hạn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Một số đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan nhà nước, Luật báo chí phải quy định rõ địa vị pháp lý của nhà báo để bảo vệ nhà báo của mình, hội viên của mình khi có vi phạm hay kiện tụng xảy ra.

Quy định chặt chẽ quyền khiếu nại tố cáo trên báo chí

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Lâm Đồng cho rằng, việc dự thảo Luật quy định công dân được góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó là một điểm hay. Bởi vì, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là một kênh quan trọng để công dân thực hiện quyền của mình được Hiến pháp quy định. Công dân không chỉ góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước mà còn có quyền này đối với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và trong các cơ quan Đảng.  

Đại biểu Phạm Đức Châu- Quảng Trị

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Châu- Quảng Trị phân tích, nếu dự thảo Luật quy định quyền công dân được khiếu nại, tố cáo trên báo chí thì cần phải rà soát kỹ lưỡng để phù hợp với luật Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Những luật này đã quy định rất rõ về  trình tự, thủ tục, thẩm quyền khiếu nại, tố cáo. Hơn nữa,  thủ tục giải quyết tố cáo là cả một quy trình rất lâu dài, rất khó khăn, thậm chí phải bí mật. Nếu công khai rồi, sau này tin tố cáo không đúng thì ai chịu trách nhiệm, bởi tố cáo sai sự thật liên quan đến vu khống. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét để quy định vấn đề này một cách cụ thể hơn bằng các điều khoản chặt chẽ, tránh lúng túng, vướng mắc khi áp dụng.

Liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy- Đà Nẵng phân tích, việc dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo  tên, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng. Đại biểu chỉ ra rằng, số tin khiếu nại, tố cáo của công dân dưới dạng kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh gửi đến các báo đài rất lớn, thậm chí một vụ việc được gửi đi nhiều báo đài cùng một lúc, nếu không chọn lọc mà đăng phát toàn bộ thì vừa trùng lặp thông tin, vừa tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng một cách không hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy- Đà Nẵng

Hơn nữa, báo chí không thể đăng phát sóng khiếu nại, tố cáo mà chưa qua xác minh, trong khi đó cơ quan báo chí không đủ người để xác minh mà thường có văn bản chuyển đến các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn tâm lý người dân khi gửi cơ quan báo chí thì rất mong được đăng phát sóng nhằm tạo sức ép cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét. Vì thế xảy ra một thực tế, không ít trường hợp người dân kiến nghị nhiều lần vẫn không được xem xét. Vậy, nếu theo quy định của dự thảo Luật về vấn đề này, các cơ quan báo chí có đảm bảo thực hiện được hay không, có gặp vấn đề gì khó khăn trong quá trình triển khai hay không? Do đó, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất giữa quy định về quyền khiếu nại, tố cáo trên báo chí của công dân với trách nhiệm đăng, phát khiếu nại, tố cáo của cơ quan báo chí để đảm bảo quy định được khả thi khi áp dụng.

Hồ Hương