ỦY BAN VH, GD, TN, TN &NĐ LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2018, DỰ KIẾN CÔNG TÁC NĂM 2019

08/10/2018

Sáng ngày 08/10 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên làm việc với các bộ, ngành về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, dự kiến chương trình công tác năm 2019 thuộc lĩnh vực các đơn vị phụ trách.

Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì phiên làm việc. Tham dự phiên làm việc có các thành viên Ủy ban cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành liên quan.

Theo chương trình, phiên làm việc dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8 – 10/10/2018). Cụ thể, sáng 8/10, Ủy ban sẽ làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo về lĩnh vực giáo dục đào tạo; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Sáng ngày 9/10, Ủy ban dự kiến sẽ làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ về các vấn đề văn hóa, thông tin, tôn giáo. Trong buổi làm việc cuối cùng, Ủy ban dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nội vụ; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về lĩnh vực thanh niên và trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại phiên làm việc, đại diện các bộ, ngành sẽ báo cáo với Ủy ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, dự kiến chương trình công tác năm 2019 thuộc lĩnh vực các đơn vị mình phụ trách. Qua đó, các đại biểu sẽ thảo luận và có những đánh giá ban đầu đối với báo cáo của từng đơn vị.

Mở đầu phiên làm việc, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ làm việc với Bộ GD & ĐT; Bộ LĐ-TB & XH. Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về kết quả hoạt động năm 2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, ngành Giáo dục đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, khắc phục những bất cập, hạn chế, giải quyết các “nút thắt” qua việc hoàn thiện 02 dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện việc đổi mới giáo dục, đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Cụ thể, đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xin phép giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa ủy quyền ký báo cáo gửi Quốc hội cho ý kiến góp ý tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra sơ bộ vào ngày 25/9/2018. Hiện Bộ đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu ý kiến góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đang tập trung thực hiện xây dựng các văn bản, đề án, hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc đổi mới giáo dục, đào tạo. Tính đến ngày 30/9/2018, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 31 văn bản; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 đề án, nổi bật như: Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; quy định một số chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025"; quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các văn bản được Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Quá trình soạn thảo văn bản, Bộ đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi tới các đối tượng thi hành, các chuyên gia và nhà khoa học, đồng thời khảo sát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế nên nội dung văn bản đảm bảo phù hợp và khả thi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục thường có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều đối tượng, mức độ ảnh hưởng rộng. Do vậy, cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát và trao đổi với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định không còn hình thức thông tư liên tịch, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các thông tư liên tịch này gặp nhiều khó khăn. Việc quy định thẩm quyền Chính phủ ban hành chính sách cũng gặp khó khăn khi cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đây có quy định về chính sách về giáo dục, đào tạo. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn kinh phí hợp lý đảm bảo đủ cho công tác soạn thảo ban hành văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đặc biệt là đối với những vấn đề mới trong điều chỉnh pháp luật, chưa có kinh nghiệm ở Việt Nam, cần nghiên cứu khảo sát, tham khảo kinh nghiệm, dịch tài liệu của nước ngoài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo kết quả hoạt động của Bộ Giáo dục & Đào tạo trước Ủy ban

Để khắc phục hạn chế này, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sau khi các Luật được Quốc hội thông qua và yêu cầu thực tiễn. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành rà soát lại quy trình soạn thảo nhằm đảm bảo công tác thẩm định, thẩm tra văn bản một cách chặt chẽ và có hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đưa các nội dung quy định của Luật và các văn bản thi hành đi vào cuộc sống điều chỉnh các hoạt động giáo dục, đào tạo. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học nhằm xử lý các trường hợp vi phạm và đảm bảo việc thực thi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học ngày càng có hiệu quả.

Trong năm 2019, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Cùng với đó, tổ chức xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (sửa đổi) ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua; rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giáo dục & Đào tạo theo các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Bộ trong việc xây dựng Báo cáo về Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, dự kiến chương trình công tác năm 2019 đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Báo cáo đã thể hiện một cách đầy đủ các lĩnh vực; hệ thống số liệu, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng; cung cấp nhiều thông tin hữu ích, làm cơ sở để nhìn nhận lại toàn cảnh hoạt động giáo dục và đào tạo trong năm 2018 và định hướng công tác năm 2019.

Các thành viên Ủy ban phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục trong năm qua; xác định rõ trách nhiệm của ngành giáo dục, đào tạo và các Bộ ngành liên quan, trách nhiệm các địa phương; từ đó chủ động đề xuất hệ thống giải pháp trước mắt,lâu dài, bám sát nhiệm vụ chính trị, phù hợp,điều kiện thực tiễn, có lộ trình rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính khả thi cao.  

Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao hệ thống văn bản, đề án được Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng, ban hành trong năm 2018 (bao gồm cả cách thức, quy trình, chất lượng). Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục & Đào tạo đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện việc đổi mới giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục thường có nội dung liên quan đến nhiều đối tượng, mức độ ảnh hưởng rộng đến đời sống xã hội; do vậy, việc tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động cần được quan tâm nhiều hơn; việc đánh giá tác động cũng cần kỹ lưỡng hơn để có những quy định mang tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng bày tỏ đồng tình với Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc xác định xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các văn bản pháp luật có liên quan là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm 2019. Đây là 02 dự án Luật có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến toàn xã hội, vì vậy đề nghị Bộ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kịp thời, bảo đảm chất lượng để có thể áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Đối với Luật Giáo dục (sửa đổi), cần tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách bài bản, nghiêm túc, đúng tiến độ theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngay sau đó, các thành viên Ủy ban cũng đã xem xét và cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và dự kiến chương trình công tác năm 2019 của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội.

Thu Phương