LUẬT ĐẶC XÁ (SỬA ĐỔI) RA ĐỜI LÀ CẦN THIẾT NHẰM KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP TRONG THỰC HIỆN ĐẶC XÁ NHỮNG NĂM QUA

21/05/2018

Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Do đó, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện đặc xá những năm qua. Thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 07 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 thì tên của dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá. Tuy nhiên, do phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 18/36 điều, bổ sung 03 điều mới), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Đặc xá năm 2007 nên Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Đặc xá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 03 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Về thời điểm đặc xá, Tờ trình cho biết, sau khi nghiên cứu, cân nhắc, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định về thời điểm đặc xá như quy định tại Điều 5 Luật Đặc xá năm 2007; theo đó, việc đặc xá được tiến hành vào ba thời điểm: nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đặc xá năm 2007 về quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19, cụ thể: “Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Thay mặt cơ quan thẩm tra trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, một số tài liệu trong hồ sơ dự án Luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Mặc dù Chính phủ đánh giá: hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội, nhưng cả Tờ trình và nhất là Báo cáo tổng kết chưa phân tích cụ thể, rõ ràng hạn chế này xuất phát từ những quy định cụ thể nào của luật hiện hành để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Về thời điểm đặc xá, Ủy ban thẩm tra tán thành với dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.

Về thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, Ủy ban thẩm tra nhận thấy việc Dự thảo Luật bổ sung quy định: Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người được đặc xá là người nước ngoài được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết là quy định mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về lưu trú của người được đặc xá là người nước ngoài, bảo đảm phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, dự liệu được những hệ quả pháp lý xảy ra.

Ủy ban thẩm tra cho rằng, ngoài các nội dung lớn trên đây, nhiều nội dung khác của dự thảo Luật cũng cần được rà soát để bảo đảm quy định thống nhất, phù hợp với quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về nội dung như: thẩm quyền quyết định đặc xá của Chủ tịch nước; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; thẩm quyền trình hồ sơ đề nghị đặc xá đến Hội đồng tư vấn đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân; các quy định về tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hoạt động đặc xá; hiệu lực thi hành Luật; hướng dẫn thi hành Luật …/.

Hồ Hương