Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

27/08/2014

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 10 thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhằm phù hợp với Hiến pháp mới vừa được thông qua và có hiệu lực. Luật quy định những vấn đề hết sức cơ bản như: vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hệ thống TAND; nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Tòa án trong hệ thống TAND; địa vị pháp lý của Thẩm phán, các chức danh Thẩm phán; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái, cách chức Thẩm phán, nhiệm kỳ, chế độ, chính sách, tuổi làm việc, trách nhiệm của Thẩm phán; chức năng, nhiệm vụ của Hội thẩm, các chức danh Hội thẩm nhân dân;…

Phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) bao hàm tất cả các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của TAND, trong đó có các quy định về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND nhằm bảo đảm cho các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy định của Luật và các pháp lệnh hiện nay.
 
Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm trong dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) lần này là việc thiết kế, xây dựng mô hình cơ quan xét xử 4 cấp theo tinh thần mà Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra. Theo đó, các Tòa án sẽ được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa thượng thẩm và Tòa án nhân dân tối cao.
 
Báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cho thấy, đa số tán thành với mô hình cơ quan xét xử 4 cấp. Trong đó, xác định Tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính xét xử hầu hết các loại vụ án theo pháp luật về tố tụng.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực là cần thiết. “Tòa án có gần dân hay không do cách thức tổ chức quản lý của Tòa án chứ không phải về mặt địa lý” – ông Độ nói. Lý giải cho nhận định trên, PGS.TS Trần Văn Độ phân tích, thành lập hệ thống Tòa án sơ thẩm khu vực không chỉ bảo đảm tính độc lập của Tòa án mà còn khắc phục được những hạn chế, nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng quản lý…
 
Đồng quan điểm, ông Đặng Công Lý, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Bình Định cũng cho rằng hiện nay các loại án ngày càng tăng, phức tạp. Việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực sẽ giúp gọn nhẹ bộ máy và giải quyết án, vì như hiện nay nơi thì giải quyết ít án, có nơi quá nhiều. Việc thành lập hệ thống tòa này sẽ không làm phình to bộ máy nhà nước và tăng biên chế. Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung được quy định trong dự thảo luật, song bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng việc tổ chức hệ thống Tòa án theo mô hình 4 cấp hay theo cấp hành chính phải cân nhắc kỹ càng, bởi Tòa án có đặc thù riêng, vì vậy cần bảo đảm nguyên tắc độc lập khi xét xử.

Liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán, một số ý kiến đề nghị kéo dài thêm nhiệm kỳ Thẩm phán thay vì quy định 5 năm như hiện nay, tuy nhiên đề xuất cần phải qua thi tuyển Thẩm phán nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, chất lượng cán bộ

(Theo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)