ỦY BAN TƯ PHÁP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

24/08/2018

Ngày 24/8, tiếp tục Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, qua hơn 08 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tổng kết thi 08 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự 2010 có 74,5% người chấp hành xong hình phạt tù, 96,98% người được đặc xá, 98,9% người chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn đã phấn đấu trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Mục đích xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo, kết hợp trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện của việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật sửa đối, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 04 điều, thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (bổ sung 01 chương, 07 mục), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Vì vậy Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, phạm vi sửa đổi và tên gọi của luật, trình tự thủ tục xem xét thông qua luật, các nội dung chính của của dự thảo Luật tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010 là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu và quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi hành án hình sự đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng với quy trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế, khắc phục được những khó khăn tồn tại và bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự, quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng, với phạm vi sửa đổi bổ sung một cách toàn diện, nhiều nội dung chính sách lớn thì việc đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là hợp lý. Việc thay đổi phạm vi sửa đổi cũng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc chuẩn bị dự án luật như tổng kết thực tiễn thi hành luật, đánh giá tác động của chính sách, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết kèm theo…Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi về thời gian trình của Chính phủ, quá trình thẩm tra cũng như xem xét cho ý kiến tại Quốc hội cần được thay đổi để bảo đảm chất lượng khi ban hành luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại với việc thay đổi phạm vi sửa đổi, bổ sung, sửa đổi một cách cơ bản toàn diện thì liệu theo quy trình tại hai kỳ họp thì có bảo đảm chất lượng làm luật hay không. Đối với những nội dung như tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền của phạm nhân hay một số nội dung nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn triển khai thì có thể xem xét thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp. Tuy nhiên, quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại là vấn đề lớn nhưng lại chưa có thực tiễn triển khai, kinh nghiệm quốc tế lại rất mỏng, các quy định quy trình thủ tục chưa cụ thể sẽ rất khó để xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, với việc thay đổi phạm vi sửa đổi của dự án luật, việc chuẩn bị hồ sơ dự án, chất lượng các báo cáo đánh giá tác động, dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết…như hiện nay thì nên để trả lại Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án trước khi trình Quốc hội hay xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình tại ba kỳ họp.

Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với phương án xây dựng luật theo quy trình tại ba kỳ họp. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi, khả năng đáp ứng của cơ quan thi hành án và điều kiện thực tế; cần có thêm các đánh giá tác động và nghiên cứu kĩ hơn các quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại…để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 cũng như trình Quốc hội xem xét, thảo luận./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh