ỦY BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2012 - 2017

23/08/2018

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 10, sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Toàn cảnh phiên giải trình

Tham dự Phiên giải trình có: Thượng Tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đai diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, tình trạng mua bán người không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, bên cạnh kết quả đã đạt được thì cũng còn những hạn chế, bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, tình hình trên đã đặt ra yêu cầu đánh giá chính xác về thực trạng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người. Phúc đáp yêu cầu trên, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017”.

Báo cáo một số vấn đề về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người  tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ khi Luật, phòng chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017, Bộ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường các mặt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; đăng ký, quản lý và cấp chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân; quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài; phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt đã và đang triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Tăng cường ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý dân cư, an ninh giấy tờ đi lại như triển khai hệ thống khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên nền internet, dự án hộ chiếu điện tử..

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương giải trình một số nội dung

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng chỉ ra rằng, tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn; kể cả đến khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài không thể xác minh; chứng cứ ít, chủ yếu là căn cứ vào lời khai, tin tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân. Do đó, phòng chống mua bán người đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt.

Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp về áp dụng pháp luật phòng chống mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác này. Cụ thể: công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người có nơi, có lúc chưa nhận được sự quan tâm đúng mức; sự phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân chưa chặt chẽ, đặc biệt trong cung cấp, trao đổi thông tin dẫn đến hiệu quả xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn thấp và chưa kịp thời; kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hình thức.

Tại phiên giải trình, các đại biểu tham dự tập trung đặt câu hỏi và trao đổi làm rõ vấn đề về : Đánh giá đúng tình hình nạn nhân bị mua bán, tội phạm mua bán người trên thực tế hiện nay; Thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ quan  tư pháp trong việc đấu tranh phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; Những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; Những kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; Trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên giải trình

Một số đại biểu cũng chỉ rõ, tội phạm mua bán người đã có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, không riêng gì những vùng dân tộc thiểu số hay vùng sâu vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, nhận thức khác nhau, cách thức tuyên truyền không thống nhất, phương pháp tuyên truyền còn dàn trải nên công tác tuyên truyền, phòng ngừa còn chưa thật sự sâu rộng và có hiệu quả. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng bộ tài liệu chung tuyên truyền thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp các ngành, các cấp, trong đó tuyên truyền đồng bộ về pháp luật hình sự, phòng chống mua bán người, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình.

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trân trọng cảm ơn những ý kiến nghiêm túc, thẳng thắn, sôi nổi của các đại biểu tham dự phiên họp. Khẳng định mua bán người là vấn để mang tính thời sự, có tính chất toàn cầu, thực trạng buôn bán người diễn biến rất phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết sau phiên họp, Ủy ban sẽ hoàn thiện Báo cáo kết quả phiên giải trình và có các kiến nghị cụ thể gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh