HÌNH ẢNH ỦY BAN TƯ PHÁP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

06/09/2019

Sáng ngày 06/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể thứ 13, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên, điều 10 dự thảo Luật quy định: công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, dưới 70 tuổi (trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án tòa án nhân dân tối cao quyết định), có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án. Nếu đủ các điều kiện này thì thẩm phán, kiểm sát viên, những chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với luật sư, tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là dài, vì thực tiễn hoạt động của luật sư đều có liên quan đến tư vấn pháp luật, hòa giải, không nhất thiết phải ấn định thời gian cụ thể, chỉ cần quy định “có kinh nghiệm…” là đủ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên, đối thoại viên, nguồn kinh phí dành cho những người làm công tác này được lấy từ đâu, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng phải có cơ chế pháp lý quy định những vấn đề mang tính đặc thù để giải quyết vấn đề hòa giải, đối thoại 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đề nghị cần làm rõ cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên, đối thoại viên, nguồn kinh phí dành cho những người làm công tác này được lấy từ đâu, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Các đại biểu cho rằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.

Các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức triển khai thí điểm thực hiện hòa giải, đối thoại tại tòa án thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực;bày tỏ ủng hộ trước áp lực số vụ việc phải giải quyết ngày càng gia tăng, Tòa án tìm kiếm cơ chế mới giám tải áp lực cho tòa án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận Ủy ban Tư pháp thống nhất ủng hộ việc lựa chọn cơ chế hòa giải mang tính đặc thù để giảm tải áp lực cho tòa án, tạo thuận lợi cho các đương sự trong giải quyết tranh chấp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị để làm rõ sự cần thiết ban hành luật thiết lập cơ chế mang tính đặc thù thì Ban soạn thảo cần xác định làm rõ đặc điểm pháp lý, xác định chỗ đứng cho cơ chế, thống nhất giữa nguyên tắc và quy định cụ thể, vấn đề mô hình địa vị pháp lý tính chất kinh phí con người

Trên cơ sở ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Trọng Quỳnh