Bảo đảm tranh tụng xuyên suốt quá trình tố tụng

14/10/2015

Tiếp tục chương trình làm việc thứ 42, sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng Hành chính (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) . Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp                                                     Ảnh: Đình Nam

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra gửi dự thảo Luật xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 22 chương, 341 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 157 Điều; giữ nguyên 107 Điều, quy định mới 77 Điều.

Tại buổi làm việc, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn một số vấn đề như về giám sát tư pháp, thủ tục tranh tụng,…

Quan tâm về vấn đề tranh tụng trong tố tụng hành chính, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về nội dung, quy trình, thủ tục của tranh tụng, tính chất tranh tụng trong từng giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo tính khả thi. Hơn nữa, việc quy định nguyên tắc tranh tụng một cách chi tiết, rõ ràng sẽ tiếp tục thể chế hóa được quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về “bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”.

Một số đại biểu đề nghị, tranh tụng phải trở thành quy định chính, căn bản của mục đích sửa đổi. Tuy nhiên, Dự thảo luật lại quy định tranh tụng ở cấp sơ thẩm thành 1 mục, còn ở cấp phúc thẩm chỉ quy định ở 1 điều. Do đó đề nghị, cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, cân nhắc quy định lại các điều luật trong dự thảo để nguyên tắc tranh tụng được xuyên suốt trong các giai đoạn của quá trình tố tụng một cách hợp lý.

Chuẩn bị công phu, bảo đảm chặt chẽ về nội dung và kỹ thuật lập pháp, dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) lần này được các thành viên Ủy ban Thường vụ quốc hội đánh giá cao.

Về cơ bản các đại biểu đều tán thành và nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi cũng như nội dung của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tố tụng hình sự, bảo đảm tính kế thừa, hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Bộ luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Bộ luật sau khi được chỉnh lý gồm 36 chương và 504 điều. Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật: nguyên tắc suy đoán vô tội, các biện pháp điều tra đặc biệt, quyền công tố và kiểm soát xét xử...

Tuy nhiên, về tranh tụng trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 46, 320 và các điều khác liên quan của dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ hơn về vấn đề trạnh tụng trong cả 3 giai đoạn: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và các quy trình tranh tụng, xét hỏi trước tòa.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Để đảm bảo quyền tranh tụng trong tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quyền tranh tụng cần phải được thể hiện rõ hơn, trong cả 3 giai đoạn: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Chủ nhiệm cho biết, trong dự thảo luật chỉ quy định rõ quyền tranh tụng ở giai đoạn sơ thẩm, giai đoạn phúc thẩm chỉ có 1 khoản rất nhỏ quy định, giai đoạn giám đốc thẩm quy định không rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc cho phép bị can, bị cáo vắng mặt tại phiên xét xử như trong quy định tại Điều 287 của dự thảo thì sẽ không đảm bảo được công bằng tranh tụng. Bởi vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét lại về quy định này.

Về bổ sung 1 số cơ quan được tiến hành nhiệm vụ điều tra, có một số đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cơ quan thuế và cơ quan chứng khoán được làm nhiệm vụ điều tra.

Về căn cứ thời hạn tạm giữu, tạm giam, các đại biểu đều tán thành với dự thảo về quy định không áp dụng tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên tại Điều 106. Cụ thể, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú và lai lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ luật này để chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 tới.

Nguyễn Phương- Hồ Hương