ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TỔ CHỨC HỘI THẢO “PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM-THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”

08/01/2020

Sáng ngày 08/01, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - thực trạng và giải pháp”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên chủ trì hội thảo.

Đến dự Hội thảo về phía Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Hoàng Văn Liên, Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Văn Pha; các đại biểu là thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội; một số Vụ, đơn vị có liên quan của Văn phòng Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Qua con số thống kê cho thấy, mặc dù phòng chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt nhưng tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.


Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Chỉ từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 8.091 trẻ em bị xâm hại (chưa kể số trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị bóc lột thông qua lao động trẻ em). Trong đó có 6.432/8.091 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 79,4% trên tổng số trẻ em bị xâm hại. Như vậy, cứ mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Xâm hại trẻ em diễn ra ở nhiều nơi: nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa và đối tượng xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng. Đặc biệt lưu ý là xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường gia đình (do người thân thích ruột thịt xâm hại); trong môi trường nhà trường, môi trường mạng... Thực trạng trên đòi hỏi cần có sự phân tích kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân chủ yếu và đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và phòng chống.

Đề cập công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), thông tin: Theo kết quả khảo sát của Đề tài khoa học của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2018, lực lượng cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra xử lý 319/337 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để gây án. Trong đó có 33 đối tượng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phạm tội.

Qua công tác điều tra, xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã phát hiện và đấu tranh cho thấy, thủ đoạn chỉnh của các đối tượng phạm tội là lập phòng “chát” ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng Internet... để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, môi giới mại dâm trẻ em, môi bán người dưới 16 tuổi...


Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng: Cần tuyên truyền để trẻ em không nên dễ rãi kết bạn, làm quen, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, những trang mạng xã hội mà các đối tượng lợi dụng để xâm hại trẻ em hầu hết có máy chủ đặt tại nước ngoài và các nước nên công tác phòng ngừa và phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ để đấu tranh rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự chung tay, liên kết giữa lực lượng cảnh sát các nước và nhà kinh doanh mạng.

Đề xuất giải pháp để ngăn ngừa và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, Thượng tá Nguyễn Văn Tráng cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin cho trẻ em và các bậc phục huynh có ý thức, kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh, không dễ rãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng...

Các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà cung cấp mạng phải có cơ chế phối hợp nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tôi và xâm hại trẻ em.

Thiết lập chế độ thông tin báo cáo, thống kế chính thức tình hình, số liệu các vụ xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Từ đó phân tích, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh phù hợp...

Xâm hại tình dục ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em

Việc xâm hại tình dục trẻ em còn được thực hiện thông qua hoạt động du lịch. Đây là hành vi phạm tội của những kẻ tội phạm, để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Loại tội phạm này tiềm nguy cơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và sự phát triển của trẻ em.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cho biết: Loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua hoạt động du lịch có đặc điểm là di chuyển thường xuyên, đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì đối tượng đã chuyển đi nơi khác. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em qua hoạt động du lịch có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam với các hành vi như: dâm ô với trẻ, giao cấu với trẻ em, mua dâm người chưa thành niên...


Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn trong việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. 

Thủ đoạn lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em ở những nơi họ đến thăm hoặc lưu trú rất đa dạng, tinh vi như: Mua chuộc trẻ bằng tiền, dụ dỗ trẻ bằng tình cảm, sử dụng Internet để tiếp cận trẻ, lợi dụng hoạt động du lịch để đưa trẻ đi đơn lẻ, thông qua các đối tượng môi giới để thực hiện hành vi xâm hại tình dục...

Đề xuất giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch, ông Khuất Văn Quý cho rằng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ban, ngành liên quan phát động bảo vệ trẻ em trong cộng đồng du lịch trên các phương tiện truyền thông chủ chốt: báo, tạp chí du lịch, website, sách mỏng... Bên cạnh đó là tập huấn các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch như: lễ tân, hướng dẫn viên... nâng cao cảnh giác, ngăn chặn hành vi phạm tội, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng.

Ngoài ra, không sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt trong các khu vực nhạy cảm dễ bị xâm hại như ở quán bar, cơ sở mát xa, vũ trường... Ở nhiều nơi, việc trẻ em giúp đỡ gia đình, ngoài giờ học đi làm thêm rất phổ biến. Đặc biệt là những trung tâm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, bán hàng lưu niệm, nhà hàng. Việc quản lý trẻ và sử dụng lao động vừa sức cần được thực hiện chặt chẽ.

Xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nghiêm khắc sẽ làm gương cho người khác

Góp ý vào việc ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em, PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án nêu quan điểm: Do người phạm tội xâm hại tình dục là người có ý thức tuân thủ pháp luật kém, có nhân cách lệch lạc, lối sống buông thả, khả năng tự chủ, kiểm soát bản thân kém nên đã xâm hại người khác nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền quy định của pháp luật (nhất là Luật Hình sự) đối với người phạm tội thì việc tuyên truyền hình phạt nghiêm minh đối với họ không tái phạm, tự giác nghiêm chỉnh chấp hành hình phạt, tuân thủ pháp luật là rất quan trọng. Điều này cũng góp phần cảnh cáo cho những công dân khác trong xã hội thấy pháp luật áp dụng được công minh, người phạm tội bị áp dụng sự trừng phạt nghiêm khắc sẽ tự giác tuân thủ pháp luật.


PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án nêu quan điểm: Xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nghiêm khắc sẽ làm gương cho người khác.

Ngoài ra, cần tổ chức các buổi nói chuyện do các chuyên gia thực hiện tại nơi thi hành án phạt tù, hướng dẫn những người đã từng bị kết án về nhóm tội này cách sống lành mạnh, đặc biệt là rèn luyện khả năng kiềm chế dục vọng cá nhân. Trường hợp người phạm tội nghiện rượu, ma túy hoặc cả hai thì phải có biện pháp buộc họ cai nghiện bắt buộc.

Có trường hợp nếu trẻ không may trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục nhưng do bị đe dọa hoặc xấu hổi, tự ti nên đã âm thầm chịu đựng. Vì vậy, các em lưu ý là khi sự việc đã xảy ra thì cần mạnh dạn nói với bố mẹ, người mà mình tin cậy như cô giáo, bạn bè... và tố cáo với cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, các em không nên tự ti hay xấu hổ vì sự việc đã xảy ra, không dằn vặt bản thân cho rằng mình có lỗi mà phải nỗ lực và biết vượt lên chính mình. Bên cạnh đó, nếu cần tư vấn, các em có thể gọi điện thoại đến tổng đài 111 (kênh miễn phí, hoạt động 24/24h) để xin hỗ trợ tư vấn. Điều này cũng sẽ góp phần nhất định vào thay đổi nhận thức của các em, giúp các em có sự chủ động hơn khi xử lý tình huống.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao những đề xuất, các giải pháp để phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mà các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Tất cả 22 ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi chép đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu để báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội./.

Bích Lan