HỘI THẢO PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC VÀ XÂM HẠI TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

03/01/2020

Sáng 03/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga chỉ đạo hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan tổ chức hữu quan.

Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, có một thực trạng đáng lo ngại về xâm hại của trẻ em thì có nhiều trường hợp xảy ra tại gia đình, do những người thân quen, ruột thịt. Theo báo cáo của các địa phương cho thấy ở tất cả các địa phương đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em ngay trong chính gia đình. Trước tình hình đó, gắn với nội dung giám sát của Quốc hội thì hội thảo về Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình lần này hướng đến các vấn đề trọng tâm cần được quan tâm thảo luận, làm rõ.

Một là khoảng trống của chính sách, pháp luật, những vấn đề đặt ra như về nguyên tắc áp dụng riêng cho đối tượng trẻ em, về các dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa đến can thiệp.

Hai là về dịch vụ hỗ trợ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, qua giám sát thực tiễn cho thấy nhiều địa phương quan niệm khu vui chơi giải trí mới là dịch vụ cho trẻ em nhưng thực ra còn rất nhiều vấn đề như hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ tư pháp…làm sao xã hội hóa vừa bảo đảm quản lý nhà nước để đa dạng, phong phú, thiết thực dễ tiếp cận với các gia đình và trẻ em.

Ba là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp thực hiện trong phòng chống xâm hại trẻ em.

Bốn là giáo dục trong gia đình và trang bị kĩ năng cho trẻ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng đây là yếu tố cốt lõi, căn bản gốc rễ, nhiều vấn đề đang thay đổi như di cư, quan niệm đạo đức, lối sống, mạng xã hội,…đặt ra phương thức giáo dục,cách thức tiếp cận khác.

Nghiên cứu các vụ việc cụ thể cho thấy mỗi trường hợp lại đặt ra những vấn đề khác nhau, gợi ý về giải pháp khác nhau, sự hỗ trợ can thiệp khác nhau. Có nơi là trách nhiệm thành viên trong gia đình, có nơi là do điều kiện gia đình do mẹ đi làm ăn xa, hay trẻ không có bất cứ kĩ năng gì về phòng vệ và trước những trường hợp đó thì trách nhiệm của các bên liên quan đặt ra như thế nào.

Bên cạnh đó các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy tố, xét xử cũng cần được xem xét để có kiến nghị phù hợp.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ mong muốn qua hội thảo sẽ có những phân tích, đề xuất chính sách về mô hình, các hoạt động can thiệp, cơ chế tổ chức bộ máy, chương trình giáo dục trong gia đình, cho trẻ em để có thể thực hiện trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam trình bày tham luận về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và trao đổi về cac vấn đề đặt ra trong công tác gia đình hiện nay; đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vai trò của giáo dục gia đình; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; kinh nghiệm quốc tế về mô hình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; các đề xuất, khuyến nghị về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình.

Qua trao đổi, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em trong chính gia đình – nơi được coi là an toàn nhất đối với trẻ vẫn còn ở mức cao. Đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng, tất cả các trẻ em sống trong gia đình đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại, không phân biệt dân tộc, học vấn, điều kiện kinh tế, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân. Hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ, từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các đại biểu cho rằng, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà giao phó cho nhà trường. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình; bạo lực gia đình bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng ghi nhận, Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách tương đối hoàn thiện liên quan tới bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện triển khai Luật. Nhận thức của chính quyền địa phương chưa đầy đủ, chưa tập trung đầu tư, chú trọng trong triển khai phòng chống xâm hại trẻ em, chưa kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc cụ thể. Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình chưa sát với thực tiễn, chưa phát huy hiệu quả.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Thị Thủy chỉ ra hạn chế trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về xâm hại trẻ em

Các đại biểu kiến nghị, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, đặc biệt là giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành và của gia đình. Đồng thời cần xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Trẻ em, Luật Giám định tư pháp, các luật về tố tụng trong giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em. Đồng thời xem xét nghiên cứu các mô hình hỗ trợ trẻ em; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả; phát huy vai trò giáo dục gia đình, hình thành kỹ năng cho trẻ.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga cho rằng cần phải đánh giá đúng mức độ thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình; có đánh giá về những chuyển biến trong đặc điểm của gia đình Việt Nam ngày nay tác động đến các vi phạm; xác định loại gia đình nào mà con cái có nguy cơ bị xâm hại nhiều như gia đình suy giảm chức năng để có giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, hiện nay pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt từ Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các nghị định hướng dẫn. Vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, chưa chỉ rõ được địa chỉ không chấp hành đúng luật, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ cho thấy còn nương nhẹ trong xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga kết luận hội thảo

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề về lực lượng thực hiện công tác này còn mỏng, thiếu phương tiện, kinh phí thực hiện, phối hợp tổ chức thực hiện chưa hiệu quả và ngay cả những Bộ có trách nhiệm trực tiếp cũng chưa tập trung cao độ cho lĩnh vực này. Một số hạn chế liên quan đến thể chế, công tác tố tụng tư pháp, hoạt động của tổ chức xã hội cần được lưu ý./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức