THẨM TRA BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA NGÀNH TÒA ÁN NĂM 2019

09/09/2019

Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể thứ 13 vừa qua của Ủy ban Tư pháp, thẩm tra báo các công tác năm 2019 của ngành Tòa án, các đại biểu ghi nhận ngành tòa án trong năm qua đã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được kết quả tích cực, đặc biệt là không phát hiện thấy oan sai.

Hoạt động của tòa án các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội

Trình bày báo cáo tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang cho biết, từ ngày 01/10/2018 đến 31/7/2019, Tòa án các cấp đã giải quyết 410.572 vụ việc trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý, đạt 76,1%. So với năm 2018, số vụ việc đã thụ lý tăng 63.949, đã giải quyết tăng 56.427 vụ (16%).

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp

Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1.1% đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng yêu cầu đầu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết được 7.875 đơn/vụ trong tổng số 16.367 đơn/vụ; đạt tỷ lể 48,1%.

Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 429.851 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 316.986 vụ việc, đạt tỷ lệ 73,7%; thụ lý 211 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 36 trường hợp, ra thủ tục mở phá sản đối với 46 trường hợp. Đối với các vụ án hành chính, ngành Tòa án đã thụ lý 11.607 vụ, tăng 2.177 vụ so với cùng kỳ năm 2018, đã giải quyết, xét xử được 6.159 vụ, tăng 1.955 vụ so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8,46%...

Đánh giá tình tình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động của các tòa án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang cho hay, kết quả công tác 10 tháng qua của các tòa án về cơ bản đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đặc biệt, chất lương xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.

Cần cầu thị trong tiếp nhận các kiến nghị, tin báo khi giải quyết các vụ án

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao về những kết quả đạt được trong công tác xét xử các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, án hành chính…Song các đại biểu cũng chỉ ra còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đề nghị đánh giá sâu về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chung của Tòa án nhân dân cấc cấp, trong đó có công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với công tác xét xử các vụ án hành chính.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá cao kết quả tích cực trong công tác của tòa án năm qua khi mà số lượng các vụ án hình sự thụ lý tăng nhưng tỷ lệ giải quyết cũng tăng, thời hạn xét xử cơ bản được bảo đảm đúng quy định của pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không phạm tội. Đại biểu cho rằng đây là điều phẩn khởi bởi đây là vấn đề nổi lên trong dư luận và tại Quốc hội tại nhiệm kỳ trước.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Sáu bày tỏ vui mừng khi chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm, không phát hiện thấy oan sai người không phạm tội và tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1.1%. Song đại biểu Nguyễn Đức Sáu cũng lưu ý, mặc dù Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng khi phát hiện những chứng cứ mới, tình tiết mới có tác dụng giá trị thì nên nghiên cứu tiếp nhận.

Liên quan đến vấn đề phòng chống oan, sai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, để phòng chống oan sai thì điều đầu tiên là các cơ quan tư pháp phải cầu thị, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các Ủy ban của Quốc hội cũng như thông tin phản ảnh từ báo chí để có phản hồi nhất định; đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng hoạt động của các cơ quan giám sát.

Cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm

Trước thực trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án mới chỉ đạt 48,1%, chưa đạt yêu cầu Quốc hội đề ra, trong khi xu hướng các đơn ngày càng tăng, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị làm rõ các giải pháp để xử lý tình trạng này.

Về đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện này có tình trạng coi giám đốc thẩm, tái thẩm như một cấp xét xử thứ ba. Về mặt bản chất  giám đốc thẩm, tái thẩm không phải một cấp xét xử mà là trình tự, thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hiện nay còn những hạn chế trong quy định pháp luật và thực tiễn có những áp lực với Tòa án và Viện kiểm sát dẫn đến tình trạng lạm dụng giám đốc thẩm, tái thẩm và càng ngày càng nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong khi đó, cán bộ của Tòa án, Viện kiểm sát lại hạn chế nên nên tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý thực trạng này và thời gian tới cần nghiên cứu xem cách xử lý vừa nâng cao hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng cũng tránh tình trạng coi giám đốc thẩm, tái thẩm như một cấp xét xử.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang thẳng thắn thừa nhận đây là vấn đề khó và thời gian qua Tòa án vẫn tiếp tục nỗ lực, cố gắng để giảm tỷ lệ đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang dẫn chứng số liệu: năm 2012 có 360.000 vụ, năm 2018 án của tòa phải giải quyết lên đến 585.152 vụ, trong khi biên chế phải giảm. Trong 10 tháng đầu năm 2019, tòa án thụ lý và đã giải quyết được 410.572 vụ việc, trong đó hòa giải được 164.767 vụ và án hình sự 64.255 vụ, còn lại 181.540 vụ là các án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động gần như xử sơ thẩm xong thì đều có kháng cáo phúc thẩm và khi xử phúc thẩm rồi thì bên thua đều có đơn đến tòa, viện, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nên áp lực với Tòa là rất lớn.

Mặc dù Tòa án đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tỷ lệ giải quyết nhưng thẩm quyền xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho 3 Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao, thiều thời gian vật chất và con người cụ thể nên khó có thể giải quyết được tình trạng này.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh lại chỉ tiêu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phù hợp với khả năng thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, trong kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết sẽ có phiên họp riêng để rà soát, xem xét lại các chỉ tiêu giao cho ngành tư pháp.

Bảo Yến