ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH NGHỆ AN

22/08/2019

Ngày 22/8, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác số 2 đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý.

Tỉnh Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước 16.481 km2 với 21 đơn vị hành chính trong đó có 11 huyện, thị và miền núi. Dân số có trên 3.327 triệu người, trong đó số trẻ em từ 0-16 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 800 .000 em. Theo báo cáo, trong thời gian qua tổng số trẻ em bị xâm lại là 113 em, trong đó 108 em là nữ.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An cho biết. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là người thành niên, trong số đó chủ yếu là nam giới. Phần lớn các đối tượng đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại. Phương thức thủ đoạn rất đa dạng nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ em để tì cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại.

Đặc biệt trên địa bàn tỉnh gần đây, đã xuất hiện một số vụ mua bán trẻ em. Các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán lại cho người Trung Quốc. Qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn, đến tháng 10/2008 lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 06 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc. Tình trạng này đã gây tác động xấu đến xã hội, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phát biểu tại buổi làm việc 

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đặt ra những câu hỏi về thực tế quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh như về những khó khăn trong các vụ giám định các vụ xâm hại tình dục trẻ em, về vai trò của các cơ quan hữu quan, cũng như việc phát hiện các loại xâm hại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng chúng ta mới đang thiên về vấn đề bạo lực thân thể và tình dục. Trong khi xâm hại về tinh thần, bạo hành từ cha mẹ hay ở trường, lớp chưa được chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Thiên về “chống” chứ chưa thấy các giải pháp phòng ngừa.

Để xử lý xâm hại trẻ em, khâu xác minh AND là vấn đề hết hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để giám định một ca thì chi phí mất từ 20-30 triệu. Đại biểu Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, đặt ra câu hỏi: Vậy trong quá trình thực hiện, tỉnh Nghệ An sẽ sẽ giải quyết vấn đề khó khăn này như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi làm việc 

Báo cáo Đoàn giám sát, đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ bị xâm hại là đặc thù Nghệ An vốn là một tỉnh nghèo, dân số đông, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều. Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; bên cạnh đó là công tác thanh kiểm tra về công tác bảo vệ trẻ em nói chung của một số ban ngành còn chưa thường xuyên. Một thực tế đang tồn tại là kinh phí đầu tư cho việc thực hiện các chương trình, bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa được nhiều…

Làm rõ câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu  - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, khẳng định: Trong Công tác giám định AND, một trong những khâu tốn kém nhất trong việc giải quyết các vụ việc phòng chống xâm hại trẻ em đã được Công an tỉnh xử lý rất tốt. Chính vì giải quyết công tác giám định tốt nên có tới 96% các vụ án đã khởi tố.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh Nghệ An qua việc đã ban hành 71 văn bản thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; Đã có nhiều mô hình phòng chống báo lực gia đình hiệu quả. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội cũng chỉ ra những bất cập trong thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tinh Nghệ An như: trách nhiệm cũng như sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa cụ thể. Việc phát hiện ra các hình thức xâm hại trẻ em còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu tỉnh Nghệ An cần sớm có dự báo tình hình để từ đó đưa ra các quyết định sát thực với địa phương. Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần nâng cao công tác chủ động phòng ngừa. Có như vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em mới phát huy hiệu quả trong thực tế./.

Trọng Hiếu