GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỐI VỚI ĐỒNG NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN?

25/08/2018

Sáng 23/8, tại Phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị cần có giải pháp để nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn.

Toàn cảnh phiên giải trình

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phiên giải trình, giai đoạn 2016-2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó xác định hơn 1.100 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi iếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Về các hình thức hỗ trợ nạn nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình. Nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở bảo trợ xã hội được xem xét, trợ cấp quần áo, vật dụng sinh hoạt. Đặc biệt, đối với trường hợp là trẻ em, trong vòng 20 ngày trước khi hết thời hạn, Giám đốc cơ sở có trách nhiệm thông báo cho thân nhân đưa trở về nơi thân nhân cứ trú hoặc bố trí cán bộ đưa về bàn giao cho gia đình có sự giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã, làm biên bản bàn giao trẻ em về tái hòa nhập cộng đồng. Tại cộng đồng, nếu nạn nhân thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được xem xét trợ cấp khó khăn ban đầu, mức tối thiểu là 1 triệu đồng /người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, trên thực tế, nạn nhân bị mua bán trở về tiếp nhận tại các cơ sở được hỗ trợ khám sức khỏe và điều trị bệnh nếu có. Các bệnh họ thường mắc là viêm gan B, viêm nhiễm phụ khoa, bệnh đường hô hấp. Các trường hợp nặng vượt ngoài khả năng chăm sóc của nhân viên y tế tại cơ sở thì chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế phù hợp để điều trị.

Trao đổi tại Phiên giải trình, một số ý kiến chỉ ra rằng, Luật Phòng chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về sớm hòa nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ theo quy định của Luật. Mức tiền ăn hỗ trợ cho nạn nhân trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định hiện nay là rất thấp, 30 nghìn đồng/ người/ ngày; thủ tục làm hồ sơ để thực hiện hỗ trợ ban đầu còn quá rườm rà, gây khó khăn cho nạn nhân. Bên cạnh đó, một số đại biểu nhận định, đa số các nạn nhân đều không có nhu cầu học văn hóa vì thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội ngắn; họ thường có nhu cầu được cung cáp dịch vụ tư vấn việc làm, học nghề tại những trung tâm dạy nghề thích hợp; tuy nhiên việc đào tạo nghề cho những nạn nhân này chưa thực sự được chú trọng.

Các đại biểu đưa ra quan điểm tại phiên giải trình

Trên cơ sở nhận định được những tồn tại trong công tác, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu tham dự đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, bố trí ngân sách dành riêng cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; ban hành kế hoạch về công tác phòng chống mua bán người; đưa nội dung phòng, chống mua bán người vào Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH theo hướng tăng mức hỗ trợ trực tiếp như tiền ăn, tiền thuốc thồng thường cho nạn nhân; sửa đổi, bổ sung các quy định khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ về vay vốn, học nghề, tạo việc làm nhằm giúp các nạn nhân bị mua bán trở về có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu qủa hơn./

Hồ Hương