ỦY BAN TÀI CHÍNH- NGÂN SÁCH THẨM TRA BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ

17/05/2018

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 24, chiều 17/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ tại phiên họp đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo, chấn chính công tác quản lý, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục tích cực triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Trong năm 2017 nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí được triển khai có kết quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế mà bên cạnh các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh tác động tiêu cực đối với sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, còn có nguyên nhân chủ quan do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn bất cập; ý thức trách nhiệm thực hành tiết kiệm chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá, chế độ báo cáo theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày ý kiến thẩm tra 

Tại phiên họp, các ý kiến của các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với các đánh giá, nhận định của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng lưu ý một số hạn chế cần được khắc phục như tình trạng lập, gửi bảo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu nhận định, đánh giá còn chung chung, chưa có số liệu chứng minh cụ thể.

Việc tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp chứ đáp ứng yêu cầu để tiết kiệm chi thường xuyên. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Công tác quản lý sử dụng đất đai còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp dẫn đến khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Trong quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, tiến độ, cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm so với yêu cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn Nhã phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết thêm chưa năm nào báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm chống lãng phí tốt như năm này. Nội dung báo cáo vừa thể hiện được định tính, định lượng vừa chỉ rõ được các địa chỉ thực hiện tốt hay chưa tốt. Qua đó đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý vấn đề này. Ủng hộ cách thức thực hiện của Bộ Tài chính khi mạnh dạn chỉ rõ những địa chỉ thực hiện tốt và chưa tốt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng cách làm này cần duy trì để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm và có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn cũng đánh giá cao, Bộ Tài chính có những cách thức quản lý tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí rất tích cực như giao dự toán chi thường xuyên ngay từ đầu năm và tiến hành hậu kiểm sau; tập trung kiểm soát chi về một đầu mối là kho bạc nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý nợ công có bước chuyển biến lớn, cơ cấu lại kỳ hạn và lãi xuất, quản lý chặt chẽ hơn.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả và hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm chống lãng phí để các bộ ngành, địa  phương ban hành chương trình trước 01/01 hàng năm; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khắc phục triệt để các tồn tại trong quản lý sử dụng ngân sách, nợ công, quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoảng sản đặc biệt là sử dụng đất công ở các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghiêm túc kiểm điểm các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bảo Yến