Góc nhìn thực tế của đại biểu Quốc hội

25/08/2014

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn nước ta đã được ban hành. Để nắm bắt thực tế, vừa qua, chúng tôi, những đại biểu Quốc hội công tác ở Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã tổ chức khảo sát tại một số xã đã xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công. Tuy thời gian làm việc ở hai xã và một thị trấn của hai tỉnh Quảng Bình và Nam Định không nhiều, nhưng chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đổi thay tích cực tại các địa phương này…

Điều đầu tiên thấy rõ nhất của các đại biểu Quốc hội là tại những địa phương này, cơ cấu nông nghiệp đã được chuyển dịch tích cực, chất lượng sản phẩm được nâng cao, gắn với thị trường. Là một trong tám xã điểm xây dựng NTM của huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), Lộc Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã thực hiện đạt 17 trong 19 tiêu chí NTM. Đồng chí Dương Công Toản, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thủy lợi, cấp điện, dồn điền đổi thửa, thực hiện cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao, tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, sản phẩm nghề phụ, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ nghèo thụ hưởng chính sách hỗ trợ vốn và giải quyết việc làm của Nhà nước, nên mặc dù điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, thu nhập của người dân trong xã đã đạt bình quân đầu người hơn 21 triệu đồng/ năm, tỷ lệ nghèo giảm từ 6,7% năm 2012 xuống 3,8% đầu năm 2014.

Đoàn cán bộ Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tham quan cánh đồng cà chua xuất khẩu ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: Lê Na.

Ở xã NTM Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nơi có hơn nửa số dân theo đạo công giáo, ngoài sản xuất nông nghiệp, 2.132 hộ dân nơi đây còn làm thợ may, thợ xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, làm nấm rơm, dệt chiếu cói, đan cói xuất khẩu và dịch vụ cơ khí. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Đề cho biết, nhờ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định khâu đột phá là dồn điền đổi thửa để có vùng sản xuất lúa cao sản 170ha, vùng sản xuất cây vụ đông 80ha, vùng nuôi trồng thủy sản 30ha, hai cánh đồng mẫu lớn có diện tích trên 100ha, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất… nên giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã bình quân đạt 105 triệu đồng/ha và thu nhập bình quân hằng năm của 4.100 lao động ở xã đạt 29,02 triệu đồng/người, tăng 9,5 triệu đồng so với khi bắt đầu xây dựng NTM năm 2010.

Còn tại thị trấn NTM Quỹ Nhất, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nơi có tới 80% bà con công giáo, đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với vùng sản xuất vụ đông luôn canh “2 mầu 1 lúa” với khoảng 30% diện tích thu nhập đạt 230-250 triệu đồng/ha. Chúng tôi đã tận mắt thấy cánh đồng cà chua xuất khẩu 10ha trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm. Thị trấn còn có hợp tác xã vận tải với 112 đầu xe, 9 doanh nghiệp thương mại bán buôn, bán lẻ và 129 hộ kinh doanh cá thể. Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Lại Huy Thong, năm 2013 thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/người, số hộ nghèo giảm còn 2,94%, 94% lao động ở thị trấn có việc làm ổn định.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, xây dựng NTM không chỉ là hạ tầng kinh tế, xã hội. Đây có thể là điều kiện cần, nhưng chưa đủ mà chính tổ chức lại sản xuất đóng vai trò then chốt trong xây dựng NTM. Lộc Thủy đã thực hiện thành công dồn điền đổi thửa để mỗi hộ dân trước có 3-4 mảnh ruộng nay còn 1-2 mảnh; có Hợp tác xã Tuy Lộc với mô hình thử nghiệm lúa chất lượng cao, cơ giới hóa được một số khâu sản xuất như làm đất, gieo sạ, gặt lúa, mô hình lúa - cá; có hợp tác xã chăn nuôi lợn, 12 đội sản xuất, phát triển hai làng nghề dệt chiếu cói và nấu rượu. Xã Hải Phương đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp với 13 đội sản xuất, làm một số dịch vụ như thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp, có hai làng nghề truyền thống se đay dệt chiếu và làm đồ thủ công mỹ nghệ, Quỹ tín dụng nhân dân vốn lên tới 50 tỷ đồng với 1.780 thành viên và đặc biệt là tổ chức được cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã rộng 21ha, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Còn ở thị trấn Quỹ Nhất đã thực hiện “4 cùng” trong sản xuất nông nghiệp là cùng một cánh đồng, một loại giống, cùng biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tưới tiêu nước đã làm năng suất lúa tăng 15%. Cơ giới hóa các khâu cày, bừa, gieo xạ, cấy, gặt, bơm thuốc trừ sâu… đã giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tới 20%.

Đoàn công tác Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thăm Xí nghiệp may xuất khẩu ở xã Hải Phương. Ảnh: Lê Na.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đầu tư của nhà nước gắn với đầu tư của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã mang lại kết quả thiết thực. Trong ba năm 2011 - 2013, Hải Phương đã huy động được 68,86 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp 45,57 tỷ đồng, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư 400 tỷ đồng vào sản xuất may mặc, thương mại, xây dựng tại xã, tạo ra hơn hai nghìn việc làm mới với thu nhập ổn định. Thị trấn Quỹ Nhất huy động được 125,74 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự xây dựng, kiến thiết là 65 tỷ đồng. Người dân Quỹ Nhất đã tự nguyện hiến 16.000m2 đất, tự tháo dỡ 65 công trình để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường giao thông, kè sông, các công trình phúc lợi công cộng. Xã Lộc Thủy huy động được gần 62 tỷ từ các nguồn vốn chương trình dự án, tổ chức, tập thể, nhân dân và ngân sách, làm được 3km đường bê tông ra đồng ruộng.

Việc đầu tư hạ tầng thực hiện theo nguyên tắc xác định rõ việc của ai người đó làm, việc của xóm nào xóm đó làm, của xã nào xã đó làm, làm từ ngoài đồng trước rồi mới đến khu dân cư; ở ngoài đồng thì người dân đóng góp theo đầu mẫu, trong xóm thì phân bổ theo đầu người. Ở cả ba địa phương, một phần quan trọng của nguồn lực tài chính là nhờ vào các “mạnh thường quân” và con em địa phương đi làm ăn xa gửi về ủng hộ gia đình mình, thôn xóm mình, xã mình. Điều quan trọng là đối tượng thụ hưởng các công trình, dự án đó là người dân phải biết được giá trị của các công trình, dự án đó, rồi trực tiếp giám sát, xây dựng, bảo quản.

Mặc dù vậy, quá trình xây dựng NTM ở các địa phương này vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Chẳng hạn, tuy hoạt động của các hợp tác xã đã lấy kinh tế hộ làm nền, thực hiện liên kết “bốn nhà”, nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn thấy còn thiếu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đầu tư về nông thôn, đưa những bộ giống có năng suất và giá trị thương phẩm cao tham gia vào thị trường nông sản sạch và bao tiêu, chế biến sản phẩm đầu ra để nông dân có lãi, yên tâm bám ruộng sản xuất. Sự liên kết “Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp” còn lỏng lẻo, như lời của đồng chí Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là còn “đồng sàng dị mộng”. Các nhà khoa học chưa thực sự xuất phát từ thực tiễn, còn doanh nghiệp thì mải chạy theo lợi nhuận. Cho nên, vấn đề ở đây là phải tạo được sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” trên cơ sở lợi ích chung, doanh nghiệp phải là trung tâm vì có khả năng về vốn, công nghệ, thị trường. Các mô hình sản xuất phải xuất phát từ tình hình cụ thể ở từng địa phương.

Các đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy những thách thức về môi trường trong quá trình xây dựng NTM là không nhỏ. Việc bảo đảm nước sạch hợp vệ sinh, thu gom xử lý rác thải, phong trào làm vệ sinh môi trường làng xóm, trồng cây xanh đã được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, ở các xã ven biển, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất có xu hướng gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Do các giống cây trồng chậm được cải tiến, thay thế nên có tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa chất, làm đất chóng bạc màu, chi phí sản xuất tăng, lãi gộp của người nông dân chẳng còn là bao. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, các loại giống mới, chất lượng cao là rất cần thiết.

Tuy kết quả xây dựng NTM ở 3 địa phương trên chưa thể đại diện cho hơn một vạn xã trong cả nước, nhưng qua khảo sát thực tế, các đại biểu Quốc hội thấy rõ, việc tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở nông thôn đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của bà con. Nếu không làm tốt khâu này thì sản xuất nông nghiệp chỉ có thể cho người nông dân no ấm mà không thể làm giàu được. Muốn vậy, phải có một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đầy đủ, thực sự gắn với thị trường, phát triển bền vững... Trong huy động các nguồn lực, các khoản đầu tư trực tiếp của cộng đồng vẫn là chủ yếu. Bên cạnh đó, vai trò gương mẫu, sáng tạo, dẫn dắt người dân của chính quyền địa phương cũng góp phần quan trọng tạo nên những kết quả rõ rệt.

Hình ảnh làng xóm NTM với đường liên xóm, nội đồng bằng bê tông, kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, chợ, trạm y tế, trường học, trung tâm văn hóa - thể thao, điểm bưu điện văn hóa xã… khang trang cho thấy tương lai tươi đẹp của nông thôn Việt Nam trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Các đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc đầu tư từ ngân sách cho Chương trình xây dựng NTM để nhìn nhận đầy đủ hơn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.

(Theo Quân đội Nhân dân Online)