ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 46

31/07/2020

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2020), sáng 31/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 46 để thẩm tra dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Tham dự phiên họp còn có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra Dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030

Báo cáo tóm tắt chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong bối cảnh Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2010-2020 sắp kết thúc, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời nhìn nhận và đánh giá những yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ và chức năng của Kiểm toán Nhà nước đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức và yêu cầu mới.

Cùng với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ mới, quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là việc tiếp tục củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước…, đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để vượt qua thách thức, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong nhiều năm tới. Do đó, cần thiết việc xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030).

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Kiểm toán Nhà nước hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao.

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 xác định tầm nhìn xây dựng Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Sứ mệnh của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Với giá trị cốt lõi là Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, mục tiêu tổng quát phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 là: Phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước cụ thể hóa các chiến lược về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán, hội nhập và hợp tác quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học,  phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời đề nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Chiến lược tại phiên họp tháng 8/2020 để Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từ năm 2021 bảo đảm tính liên tục, kịp thời trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Về các nội dung cụ thế của Chiến lược, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị làm rõ nội hàm, thuyết minh rõ ý nghĩa nội dung của giá trị cốt lõi được Kiểm toán Nhà nước xác định, nhất là nội dung “không ngừng gia tăng giá trị”; lưu ý Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 cần gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của đất nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần cụ thể hơn mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện Chiến lược và cho rằng cần phân kì thực hiện cho 10 năm tới, trong đó tập trung cho các nội dung sửa đổi luật làm nền tảng cho mọi họat động của kiểm toán, hoàn thiện mô hình tổ chức; lộ trình về nhân sự, chuẩn hóa cán bộ công chức, chuẩn hóa quy trình hoạt động, xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực…

Nhấn mạnh chiến lược phát triển cần rõ định hướng xu thế phát triển của kiểm toán nhất là chuyên môn và con người, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng dự thảo Chiến lược của Kiểm toán Nhà nước chưa thể hiện rõ về xu thế hướng đến sự cân bằng giữa kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, kinh nghiệm các nước cũng như xu hướng sẽ thực hiện phân bổ ngân sách theo đầu ra khi đó kiểm toán hoạt động đóng vai trò rất quan trọng. Do đó,  định hướng phát triển cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến kiểm toán hoạt động. Mặt khác, nếu như ở các nước trên thế giới sức mạnh của kiểm toán dựa vào công khai minh bạch thì ở Việt Nam kết luận kiểm toán mang tính bắt buộc nhưng lại yếu hơn tính minh bạch công khai. Vì vậy trong thời gian tới cần hướng đến đẩy mạnh công khai kết luận kết quả kiểm toán. Đồng thời, Chiến lược phát triển của Kiểm toán Nhà nước cần rành mạch giữa nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên, công chức trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán với đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch, tổng hợp, kiểm soát chất lượng kiểm toán và phân tích, đánh giá chính sách kinh tế - vĩ mô.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng phạm vi kiểm toán thường niên, tiến tới cơ bản kiểm toán 100% đơn vị kiểm toán cấp 1 các đơn vị bộ ngành, địa phương; tăng đối tượng kiểm toán môi trường và trách nhiệm kinh tế của người đứng đầu; đồng thời đề nghị bổ sung thêm đối tượng kiểm toán là người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ; phấn đấu mở rộng đối tượng phạm vi kiểm toán nhất là doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận cho thấy Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với việc ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, đồng thời lưu ý Kiểm toán Nhà nước tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện các văn bản liên quan, đối với một số nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự trong quá trình thực hiện cần phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền./.

Bảo Yến