ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

05/10/2019

Theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 38, ngày 04/10, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thảo luận về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật và cho ý kiến về một số nội dung như phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, nhiệm vụ giám định tư pháp, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước, bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng, quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…

Định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với cơ quan thanh tra

Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ Kiểm toán Nhà nước chủ trì để tránh chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan liên quan; bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước.

Thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khác nhau được quy định tại 2 Luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nếu không có sự phối hợp tốt giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nêu rõ, qua thực tiễn theo dõi, phối hợp, giám sát có thể khẳng định rằng chồng chéo trùng lặp giữa kiểm toán và thanh tra không thể giải quyết tận gốc mà luôn có. Vấn đề là ở mức độ, phạm vi nào bởi chức năng nhiệm của của cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là xuống đến địa phương, cấp cơ sở có sự trùng lặp về cùng nội dung, đối tượng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cũng ghi nhận thời gian vừa qua kiểm toán xử lý tương đối tốt vấn đề này, có sự trao đổi với cơ quan thanh tra và dự thảo Luật cũng đã có quy định để lưu ý xử lý trùng lặp, chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, chứ không để đến khi phát sinh chồng chéo trùng lặp mới xử lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho hay, thực tế triển khai nhiệm vụ của thanh tra và kiểm toán sẽ có những trùng lặp nhưng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội, hoạt động theo kế hoạch nên phải được ưu tiên hàng đầu.

Có sự giám sát, giới hạn nhưng không làm hạn chế quyền của Kiểm toán nhà nước

Bên cạnh đó, tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách một số ý kiến còn băn khoăn về quy định về cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, quyền khiếu nại về báo cáo kiểm toán. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, trước đó, dự thảo Luật quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán và được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh, trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật thì đây là một trong những nội dung thu hút nhiều nhất sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động kiểm toán. Ở đâu có tài chính công, tài sản công thì Kiểm toán nhà nước được phép thực hiện kiểm toán, không bỏ sót, không lọt lướt. Tuy nhiên bên cạnh tạo điều kiện thì cũng phải bảo đảm tránh lạm dụng, lợi dụng trong quá trình kiểm toán, và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, việc có thêm quy định phải bổ sung vào kế hoạch kiểm toán là hợp lý vừa có sự giám sát, báo cáo giải trình, nhưng cũng không hạn chế quyền của kiểm toán.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên họp

Nhất trí với hướng tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cũng cho rằng nếu không có sự giới hạn về các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán thì trong quá trình thực thi có nguy cơ áp dụng tùy tiện, mở rộng kiểm toán tràn lan, khó kiểm soát. Do đó cơ quan kiểm toán muốn kiểm toán các đối tượng có liên quan phải xác định rõ ràng và đưa vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền. đối tượng liên quan phát sinh trong quá trình kiểm toán phải được báo cáo và bổ sung vào kế hoạch.

Về quyền khiếu nại, nhiều ý kiến đại biểu còn trăn trở làm sao để thực hiện tốt quyền khiếu nại của những đơn vị được kiểm toán khi phát hiện những bất cập, sai phạm trong quá trình được kiểm toán để phán ánh, xử lý một cách kịp thời.

Việc khiếu nại là trong quá trình thực hiện kiểm toán, đơn vị được kiểm toán, cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng, thành viên Đoàn kiểm toán khi có căn cứ hành vi đó trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp. Ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán phá hiện hành vi thấy có dâu hiệu và phát hiện hành vi thì đã có thể có quyền khiếu nại và thời hạn quy định là 30 ngày.

Về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại cũng được quy định rõ trong dự thảo Luật. Theo đó, việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán được quy định cụ thể với 4 mục: sau khi thụ lí đơn khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại, đối với vụ việc phức tạp, hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Dự thảo Luật cũng quy định về hiệu lực giải quyết khiếu nại trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết các ý kiến tại phiên họp cũng như ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban tổng hợp, nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Bảo Yến