ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH HỌP TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

27/08/2019

Ngày 27/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Kiểm toán Nhà nước họp giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Tham gia phiên họp còn có Phó Tổng Kiểm toàn Nhà nước Đặng Thế Vinh, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019) vừa qua. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì, phối hợp cùng Kiểm toán Nhà nước để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng trao đổi về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Theo đó các nội dung được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật gồm khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW; quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.

Quy định cụ thể nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra

Về giải quyết chồng chéo giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến quy định cụ thể nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra các cấp trong công tác phối hợp để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán trong lập, quyết định, thực hiện kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra các cấp. Đồng thời nghiên cứu quy định cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết chồng chéo (Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ) trong trường hợp các cơ quan không thống nhất được trong quá trình phối hợp.

Hiện nay cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau được quy định tại 2 luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Thực tế cũng cho thấy nếu không có sự phối hợp tốt giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển. Do đó Ủy ban Tài chình – Ngân sách đề xuất tiếp thu, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cũng lưu ý về việc có cần thiết phải quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết, xử lý chồng chéo cân nhắc trong trường hợp hai cơ quan không thống nhất được. Bởi đây chỉ là việc giải quyết công việc thông thường của hai cơ quan, không liên quan gì đến chính sách hay chế độ. Đồng thời đề nghị xử lý triệt để theo hướng Kiểm toán Nhà nước là chủ trì về triển khai kế hoạch, có sự thống nhất với cơ quan thanh tra khi trình sang Quốc hội. Những gì Kiểm toán Nhà nước đã có kế hoạch gắn với kiểm toán tài chính công, tài sản công thì thanh tra không làm nữa.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cũng cho biết thêm thực tế giữa cơ quan kiểm toán và cơ quan thanh tra không có chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh hai cơ quan đều thống nhất giải quyết được.

Về vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ quan điểm xem xét việc tuân thủ pháp luật, đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công là thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội giao.

Cần giải trình, công khai kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cũng đặt vấn đề thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, ở các nước, hàng năm, sau khi tiến hành các cuộc kiểm toán nhất là kiểm toán đánh giá hoạt động thì các cơ quan hữu quan phục vụ quyết toán ngân sách của Quốc hội tổ chức các cuộc giải trình giữa cơ quan kiểm toán và cơ quan được kiểm toán và có sự theo dõi của công luận, xã hội để minh bạch kết quả kiểm toán cũng như thể hiện sự giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên ở Việt Nam thời gian qua chưa có phiên giải trình nào về nội dung này.

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã đề nghị, đề nâng cao quyền lực của Kiểm toán Nhà nước thông qua công khai minh bạch thông tin kết quả kiểm toán cần có quy định về giải trình kết quả kiểm toán tiến hành thường xuyên liên tục. Khi đó không chỉ Uỷ ban Tài chính – Ngân sách mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội cũng có thể yêu cầu Kiểm toán Nhà nước giải trình gắn với thực hiện các chuyên đề kinh tế xã hội khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã phát biểu tại phiên họp

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Quang Chiểu phản ánh với những quy định hiện hành thì tỉ lệ thực hiện kết luận kiểm toán ngày càng thấp đi và các cơ quan liên quan không thực hiện kết luận kiểm toán cũng làm được gì để xử lý được trong khi phát hiện vi phạm ngày càng lớn như vụ việc nợ thuế của Sabeco. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần thể hiện rõ nội dung này để hướng đến bảo đảm chất lượng kiểm toán.

Nhất trí với các đề xuất trên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng vấn đề là làm sao nâng cao chất lượng kiểm toán và sử dụng kết quả báo cáo kiểm toán thì việc giải trình báo cáo kết quả kiểm toán nhất là đối với những vụ việc quan trọng là rất cần thiết. Vì vậy cần đưa vào luật nội dung công khai minh bạch báo cáo kiểm toán, thống nhất quy định trong Luật Kiểm toán và Luật Tổ chức Quốc hội trong tổ chức giải trình công khai báo cáo kết quả kiểm toán.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong việc thực hiện giải trình công khai báo cáo kết quả kiểm toán, hướng đến nâng cao hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công.

Đối với một số nội dung khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đề nghị tiếp thu quy định theo hướng Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc khi có yêu cầu; Kiểm toán Nhà nước được quyền truy cập dữ liệu điện tử và Trưởng Đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung liên quan đặc biệt là quy định về quyền khởi kiện trong hoạt động kiểm toán bởi đây là nội dung mới và Kiểm toán Nhà nước cần có đánh giá tác động về nội dung này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 tới./.

Bảo Yến