LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

26/04/2019

Ngày 26/4, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tổng Cục thuế, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 với 73 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, xác lập căn cứ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu khai mạc 

Thực tiễn cho thấy ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đã trở thành cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư quốc gia và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau 03 năm thực hiện cùng với tiến trình vận động, phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu đổi mới của hệ thống pháp luật, một số quy định của luật bộc lộ một số tồn tại hạn chế, chưa thực sự phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật.

Tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và có kết luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung thực sự cần thiết, tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để tránh chồng chéo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán; cân nhắc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán Nhà nước; cân nhắc việc Kiểm toán Nhà nước ra quyết định truy thu các khoản nộp ngân sách nhà nước, bảo đảm thống nhất với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua; cân nhắc các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu kỹ về trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết quả kiểm toán…

Toàn cảnh hội thảo

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã có tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật. Giới thiệu về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết dự thảo Luật sửa đổi bổ sung vào 12 nhóm vấn đề: Quy định rõ nội hàm và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; bổ sung đối tượng được kiến nghị, khiếu nại báo cáo kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài sản công, tài chính công.

Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng cho Kiểm toán Nhà nước và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và quyền khiếu nại của cơ quan tổ chức liên quan; truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại hội thảo

Dự thảo luật cũng sửa đổi bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước về quyền quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán nhà nước; mở rộng phạm vi ban hành quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước theo hướng: quy định và hướng dẫn chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán cho phù hợp thực tiễn.

Thảo luận tại hội thảo, đa số ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước, tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của của Kiểm toán Nhà nước là thiết chế độc lập, là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân về một nền tài chính quốc gia mạnh và minh bạch.

Vấn đề đặt ra trong sửa đổi luật là xác định được đúng vị thế của Kiểm toán nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra tài chính, tính tuân thủ của các cơ quan nhà nước. Các đại biểu cũng đề nghị việc sửa đổi, bổ sung luật bảo đảm được bao quát, toàn diện từ việc giải thích từ ngữ, quy định nguyên tắc hoạt động, các hành vi bị nghiêm cấm, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Nhấn mạnh kiểm toán tài chính công, tài sản công là nhiệm vụ quan trọng, các đại biểu kỳ vọng các hoạt động này đều được kiểm toán trước khi tiến hành quyết toán bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường minh bạch, công khai, do đó cần có quy định cơ chế hỗ trợ hoạt động cho Kiểm toán Nhà nước, thời gian báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc công khai báo cáo kiểm toán và việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm toán.

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng nghe và thảo luận về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật như giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện giám định tư pháp; thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu kết luânluận hội thảo

Kỳ họp thứ 7 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, những nội dung trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích để Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Bảo Yến