HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG (SỬA ĐỔI)

28/08/2018

Sáng 28/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh…cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công đã tạo ra bước tiến mới của hệ thống pháp luật để điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư công gắn với yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước: từ khâu chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công. 

Việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư gắn với công khai, minh bạch các dự án đầu tư công, đẩy mạnh việc  phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư công.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công còn những bất cập, hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn như: Việc chuyển từ phương thức quản lý đầu tư công cũ sang phương thức quản lý mới với quy trình kiểm soát việc đầu tư công chặt chẽ gắn với quy trình quản lý ngân sách theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước song các cơ quan, địa phương thực hiện còn lúng túng.

Một số quy định về thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương còn chưa rõ ràng, thủ tục hành chính phức tạp qua nhiều cấp, nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương. Quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án, giao  kế hoạch vốn nhiều lần... dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân: một số quy định của Luật Đầu tư công có nội dung đổi mới, nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nắm vững và chưa nhận thức đầy đủ các quy định này, nên trong việc triển khai thực hiện vẫn còn lúng túng. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Đầu tư công chưa được sự quan tâm đúng mức, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nên phải điều chỉnh kế hoạch phân bổ, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án  chưa sát sao, chưa đầy đủ... Còn một số vướng mắc trên thực tiễn giữa việc giải ngân theo dự toán và giải ngân theo cam kết với các nhà tài trợ trong sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Từ thực tiễn nêu trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công sẽ được trình Quôc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Đến nay, Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước và các đại biểu Quốc hội trao đổi thẳng thắn, cởi mở, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và  đề xuất các giải pháp để sửa đổi Luật đầu tư công.

Trên cơ sở tài liệu dự án luật của Ban soạn thảo về định hướng nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công với 3 nhóm chính sách chủ yếu và 18 vấn đề chính sách được sửa đổi bổ sung, các đại biểu đã tập trung trao đổi, cho ý kiến về việc  về phạm vi điều chỉnh và đổi tên dự án từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công  thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) do mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện hơn so với khi đề xuất đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; vấn đề khái niệm, phân loại vốn đầu tư công thành 2 nguồn: nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư công khác chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế, phương thức quản lý với từng nguồn vốn đảm bảo phù hợp với Luật ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan; Tiêu chí phân loại dự án đầu tư, trong đó điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; Đổi mới phân cấp, thẩm quyền, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, theo đó tích hợp vào quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cụ thể các dự án đầu tư công; Điều kiện để các dự án được đưa vào danh mục trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch 3 năm, hàng năm và mối quan hệ với Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, dự toán NSNN hằng năm; Việc điều chỉnh dự án; lập, thẩm định và tổng hợp kế hoạch đầu tư công; về thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm và cơ chế sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung trao đổi về định hướng và nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng cần phải nhìn nhận rõ ràng về những khó khăn, bất cập hiện nay không phải vấn đề nào cũng xuất phát từ hạn chế của luật mà còn từ khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy cần có đánh giá toàn diện để có hướng sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp.  Đánh giá cao những nội dung trao đổi tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng đây là những thông tin quý giá để Bộ Kế hoạch – Đầu tư giúp Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trước khi trình lên Quốc hội, cũng như quá trình thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính- Ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để gửi Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kịp tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2018./.

Bảo Yến