Tăng cường hiệu quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán

24/02/2016

Sáng 24/2, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp                               Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giai đoạn 2011- 2015, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đến hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới trong nhiệm kỳ: đổi mới nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán, từng bước xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyên Hữu Vạn cho biết, bình quân hàng năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước 10%. Kết quả là, trong 05 năm (2011- 2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (184.486 tỷ đồng), trong đó 03 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi Ngân sách nhà nước tăng cao gần hai lần so với các năm trước; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản; chuyển 09 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyên Hữu Vạn phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyên Hữu Vạn cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cụ thể về công tác kiểm toán, quy mô kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý; kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán Ngân sách nhà nước, phân bổ Ngân sách trung ương chất lượng chưa cao…Về bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện, đội ngũ cán bộ kiểm toán viên còn thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều…

Những hạn chế và bất cập nói trên do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan đó là : Chưa có chế tài đủ mạnh yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán; Số lượng, chất lượng công chức, số lượng biên chế chưa được giao đầy đủ, còn thiếu nhiều so với yêu cầu thực tế… Nhiều vấn đề có tác động ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động Kiểm toán Nhà nướcđang trong quá trình hoàn thiện như: Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế- tài chính, các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin; Cơ chế phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát vẫn còn chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả, có lúc còn trùng lắp, chồng chéo...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nướctrong giai đoạn 2011- 2015 theo chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước đã được quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước còn chưa làm rõ một số kết quả nổi bật và hạn chế chính trong nhiệm kỳ, cũng như chưa có sự phân tích, đánh giá, so sánh với kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong những giai đoạn trước để rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp thiết thực cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nướcgiai đoạn tiếp theo.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao Báo cáo của tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Về cơ bản Báo cáo đã thực hiện công phu, trách nhiệm, phản ảnh đầy đủ về kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua một cách toàn diện, rõ ràng, chi tiết về những ưu và khuyết điểm cũng như những nguyên nhân của ngành Kiểm toán Nhà nước gặp phải trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Một số ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua đã có rất nhiều kiến nghị xử lý kiểm toán, đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Kiểm toán, tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước cần nêu rõ kết quả giám sát các kiến nghị xử lý và trách nhiệm về những kiến nghị kiểm toán đã nêu trong báo cáo. Việc này giúp tăng cường hiệu quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán được chính xác và công bằng. Hơn nữa, cần tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước tại Quốc hội, tăng cường tiếng nói của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kiểm toán để có thể giúp cho Quốc hội có thể quản lý thu chi ngân sách một cách chính xác nhất.

An Vy