Các chương trình mục tiêu quốc gia có ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân dân

20/10/2015

Chiều 20/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe báo và báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.

Trình bày báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 là khoảng 323.982 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của giai đoạn 2011- 2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia đã bước đầu mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, giáo dục mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp        Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được của 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc triển khai các Chương trình đã bám sát và đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-  xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Việc huy động vốn cho thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp và chưa hợp lý, khi Ngân sách Trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán lại nguồn vốn Ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn Ngân sách trung ương bố trí cần cao hơn mức dự kiến của Chính phủ.  Phần vốn Ngân sách địa phương đóng góp phải bảo đảm sự cam kết của các địa phương. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch về chế độ ưu đãi đối với khu vực doanh nghiệp tham gia đóng góp vốn cho 2 Chương trình này; Làm rõ phương án huy động đối với từng nguồn lực, phương án bố trí vốn đối với các dự án thành phần của từng chương trình.

Thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí, phân bổ vốn hỗ trợ từ Ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa phương chưa tự cân đối ngân sách căn cứ vào số thu và tỷ lệ hỗ trợ từ Ngân sách trung ương cho địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối, bố trí vốn của từng địa phương.

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm. Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, các quy định về tiêu chí nông thôn mới hiện hành có những mặt tích cực, phù hợp song cũng có mặt về điều kiện, hoàn cảnh, cân đối vốn, trật tự ưu tiên chưa thực sự phù hợp.

Chất lượng và hiệu quả thực hiện một số Chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao; tính bền vững của nhiều Chương trình còn hạn chế; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành sau đầu tư chưa được chú trọng đúng mức, chưa phát huy được hiệu quả sau đầu tư; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch, thể hiện hiệu quả đầu tư chưa cao, dàn trải, thiếu tập trung.

Cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số Chương trình mục tiêu quốc gia chưa thật hợp lý, việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn và giao kế hoạch theo cơ chế kế hoạch từng năm nên chưa bảo đảm chủ động cho địa phương; mục tiêu, nội dung của một số Chương trình còn trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình theo dõi, đánh giá các chương trình còn hạn chế.

Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại hệ thống tiêu chí hiện hành, phân kỳ đầu tư, ưu tiêu tập trung đầu tư đối với một số nội dung cấp thiết trong giai đoạn 2016- 2020 liên quan đến hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất; tập trung đầu tư cho các địa phương còn chưa hoàn thành các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi,... bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí vốn, hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, khả thi trong thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần xây dựng mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng, bảo đảm tính minh bạch, cụ thể, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả của chương trình.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nguồn lực để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn vừa qua cũng như giai đoạn 2016- 2020 vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực đầu tư từ Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương. Do đó, việc triển khai thực hiện các chương trình phải tuân thủ nghiêm túc quy định về quản lý ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và một số văn bản pháp quy liên quan, không áp dụng cơ chế rút gọn đối với một số dự án như đề xuất của Chính phủ.

Đặng Mai