BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG NGÔ XUÂN LỊCH: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO, KHÔNG ĐỂ BỊ ĐỘNG, BẤT NGỜ TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

22/01/2020

Năm 2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; tăng cường theo dõi, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xử lý tốt các vấn đề, đồng thời chú trọng tới công tác xây dựng pháp luật… là khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong buổi trao đổi với Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhân dịp đầu xuân năm mới Tết Canh Tý 2020.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam cuộc phỏng vấn nhân dịp đầu xuân năm mới! Thưa Đại tướng, năm 2019 có thể nói là 1 năm với nhiều kết quả trong công tác xây dựng pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, trong đó Quốc hội đã thông qua 2 luật là: Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên. Đại tướng có thể chia sẻ rõ hơn Luật Dân quân tự vệ sau khi sửa đổi có những nội dung gì mới góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Luật Dân quân tự vệ 2019 bổ sung 1 số nội dung mới so với Luật năm 2009. Cụ thể, một là bổ sung quy định sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và người chỉ huy đơn vị quân đội vào nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ (DQTV) để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV.

Hai là điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của lực lượng DQTV, gắn việc đăng ký thực hiện nghĩa vụ, tham gia DQTV với đăng ký nghĩa vụ quân sự; quy định cụ thể thời gian tham gia dân quân thường trực, đối tượng được miễn hoãn, thôi thực hiện nghĩa vụ DQTV.

Ba là bổ sung quy định việc tổ chức các Hải đội dân quân thường trực ở các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Đây là sự phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bốn là bổ sung quy định mới về hệ thống chỉ huy DQTV, tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, chế độ BHXH, BHYT đối với dân quân thường trực, phụ cấp đặc thù với hoạt động của DQTV, các quy định về sử dụng ngân sách, kinh phí đảm bảo cho DQTV.

Hiện tại các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang triển khai xây dựng các văn bản thi hành luật bao gồm: 02 Nghị định của Chính phủ, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc khi Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Phóng viên: Luật Lực lượng dự bị động viên cũng có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, Luật này sẽ có ý nghĩa gì trong việc xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thưa Bộ trưởng?

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Như chúng ta biết, ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lực lượng Dự bị động viên thay thế Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên năm 1996. Việc ban hành Luật Lực lượng Dự bị động viên góp phần tạo hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản của tổ chức, công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân dự bị, của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện, kỹ thuật dự bị; huy động lực lượng dự bị động viên trong các trường hợp khác đảm bảo chủ động, kịp thời, đáp ứng tính chất khẩn trương trong xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh.

Luật Lực lượng Dự bị động viên là cơ sở vững chắc, góp phần thiết thực xây dựng Quan đội Nhân dân Việt Nam nói chung và xây dựng lực lượng dự bị động viên nói riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trọng tình hình mới, cho phép điều chỉnh quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, nâng cao chất lượng của lực lượng thường trực đồng thời xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, sẵn sàng huy động lực lượng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Phóng viên: Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vậy việc xây dựng Luật này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác biên phòng, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, thưa Bộ trưởng?

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Biên phòng và bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trong tình hình mới; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các vi phạm, tội phạm; giữ vững ổn định an ninh khu vực biên giới đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, để đảm bảo xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là các tình huống trên biển, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào trong năm 2020, thưa Bộ trưởng?

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Năm 2020, dự báo tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, trong đó toàn quân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là tăng cường theo dõi, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xử lý tốt các vấn đề trên không, trên biển, trên không gian mạng, biên giới và nội địa, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ biển đảo; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến đảm bảo chủ động trước mọi diễn biến trên thực tế; tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân.

Ba là duy trì thường xuyên lực lượng thường trực trên các khu vực trọng điểm, tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển trọng điểm, vùng giáp ranh, kiên quyết không để nước ngoài xâm phạm vùng biển của nước ta dưới bất kỳ hình thức nào, bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển, trong đó có hoạt động dầu khí, bảo vệ ngư dân, tổ chức tốt lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ giúp đỡ, đồng hành cùng ngư dân, tạo chỗ dựa vững chắc và củng cố niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bốn là đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về chiến lược, chính sách đối ngoại, thực hiện tốt phương châm bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc Bộ trưởng nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Bộ Quốc phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm nay!

Khắc Phục