Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra Dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Luật Phòng chống khủng bố

07/09/2013

Ngày 6 và 7-9, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 để thẩm tra 2 dự án Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh (GDQPAN) và dự án Luật Phòng, chống khủng bố trước khi trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 xem xét. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc chủ trì phiên họp.

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình thế giới, Chính phủ đã có tờ trình về việc xây dựng 2 dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Phòng chống khủng bố do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an soạn thảo.

Tại các kỳ họp trước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết phải ban hành 2 luật nêu trên trong giai đoạn hiện nay trong thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới, đồng thời phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả những âm mưu khủng bố trong nước và quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và các tầng lớp nhân dân cũng đã đóng góp nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận cao khi Luật được phê duyệt. Đến nay, 2 dự Luật  đã qua 8 lần dự thảo. Trong đó, Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh gồm 6 chương, 42 điều; Luật Phòng chống khủng bố gồm 7 chương và 53 điều.

Ảnh: Hà An (Đại biểu nhân dân)

Tại phiên họp này, các đại biểu cũng thống nhất đánh giá cao 2 dự  luật đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu, đủ điều kiện áp dụng vào đời sống thực tiễn và hướng tới mục đích lâu dài bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phục vụ mục tiêu xây dựng phát triển toàn diện đất nước.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, phân tích, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số chủ yếu mang tính kỹ thuật như bố cục, thuật ngữ, những khái niệm liên thuộc cần phải tiếp tục được chỉnh lý. Trong đó, việc quy định một số điều khoản của Luật cần phải khác với văn bản dưới Luật như nghị định, thông tư...

Về Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh

Vấn đề làm thế nào để công tác giáo dục toàn dân nâng cao về kiến thức, nhận thức là điều các đại biểu quan tâm nhiều nhất. Theo đó, các quy định về đối tượng bắt buộc phải được giáo dục về quốc phòng-an ninh cần phải rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời cần phải có những quy định khác đối với Bộ GD&ĐT để Luật được đưa vào giảng dạy trong các trường THPT, cao đẳng, đại học. Đại biểu của Bộ Quốc phòng thừa nhận đây là vấn đề khó, vì hiện nay hầu hết các trường đều không có thao trường vì quỹ đất rất khó khăn. Trong khi đó, đại biểu của Bộ GD&ĐT cho rằng, chỉ riêng về đội ngũ giáo viên trong điều kiện hiện nay, để đưa bộ môn quốc phòng - an ninh vào giảng dạy, cần chuẩn bị ít nhất 8 năm nữa.

Về Luật Phòng chống khủng bố

Luật Phòng, chống khủng bố vẫn còn những vấn đề cần phải xem xét thêm. Cụ thể, tại Mục a, Khoản 1, Điều 3 về hành vi gây hại của đối tượng khủng bố không phải chỉ có sức khỏe. Trong thực tế, các đối tượng này không chỉ có xâm phạm về sức khỏe và tự do thân thể mà còn xâm hại cả về tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của công dân... Do đó, cần bổ sung từ ngữ trong Luật để làm rõ vấn đề hơn. Mặt khác, khủng bố không đơn thuần trong lĩnh vực chính trị. Các tội phạm khác như tội tham nhũng bây giờ cũng mang tính chất khủng bố. Nhiều đại biểu đưa ra ví dụ, trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng tại nước ta những năm qua đã xảy ra việc khủng bố cán bộ thanh tra, hoặc cả gia đình những người thừa hành công vụ...

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm không nên chỉ có một Cục chuyên trách về chống khủng bố. Lực lượng Cảnh sát vũ trang cơ động đã có các đơn vị, các trung đoàn, các tiểu đoàn có trang bị về kiến thức và kỹ năng chiến đấu, ứng phó với những trường hợp có yêu cầu về chống khủng bố và không cần phải có một đơn vị chuyên trách. Tuy nhiên, việc chỉ huy tác nghiệp chống khủng bố là điều cần phải cân nhắc.

Sau kỳ họp này, các ý kiến đề xuất của các đại biểu sẽ được tổng hợp để 2 Bộ Quốc phòng và Công an tiếp tục hoàn chỉnh lần cuối trước và trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua.

(Theo Công an Nhân dân)