BỔ SUNG QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG NHIỆM VỤ CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

11/07/2018

Sáng 11/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam(CSBVN) đã được Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 5. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và cơ quan soạn thảo khẩn trương tích cực nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung và rút bớt 2 điều.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đánh giá Luật Cảnh sát biển liên quan đến nhiều luật hiện hành đang quy định, cụ thể Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh Bắt giữ tàu biển, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và một số quy định liên quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các luật có liên quan đến thẩm quyền của cảnh sát biểu để quy định cho rõ rõ; đồng thời nghiên cứu kỹ một số nội dung liên quan đến bố cục, kỹ thuật văn bản, giải thích từ ngữ, quy định chế độ chính sách, trách nhiệm các cơ quan và địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu

Bổ sung một số điều liên quan đến phòng, chống thiên tai trong nhiệm vụ của CSBVN

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá, lực lượng Cảnh sát biển có vai trò rất quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự và phối hợp các lực lượng, tuy nhiên có một điều thường xảy ra trên vùng biển Việt Nam đó là vấn đề bão lũ và thiên tai. Rà soát điều luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra rằng, trong Dự án Luật mới quy định việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, do đó đề nghị bổ sung một số điều liên quan đến phòng, chống thiên tai. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải  phân tích, năm nào chúng ta cũng có mấy chục cơn bão, ven bờ thì có lực lượng biên phòng, ngoài biển thì có lực lượng hải quân nhưng cũng không thể túc trực liên tục để làm việc này; hơn nữa cảnh sát biển ở miền Trung và khu vực Nam Bộ hết sức quan trọng, ngoài đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thì còn là chỗ dựa của ngư dân. Từ phân tích trên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải đề nghị Luật quy định một lực lượng thật mạnh và đủ kinh nghiệm để xử lý vấn đề liên quan đến cứu hộ đối với ngư dân cũng như các sự cố trên biển do thiên tai xảy ra.

Quy định rõ hơn về tổ chức lực lượng để thực hiện hai nhiệm vụ của CSBVN

Đóng góp ý kiến về Dự án Luật cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chỉ ra rằng, cảnh sát biển được thành lập với 2 nhiệm vụ: chấp pháp và xử lý các vấn đề xảy ra trên biển, chống cướp biển và bảo vệ lãnh thổ. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, làm rõ hơn nữa vấn đề tổ chức lực lượng để thực hiện hai nhiệm vụ này thế nào cho mạch lạc trong hệ thống cảnh sát biển.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu góp ý vào Dự thảo Luật

Cùng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phân tích, theo Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì vị trí của cảnh sát biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường, tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng, môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá, những vấn đề báo cáo nêu chỉ là những vấn đề mang tính chất chấp pháp chứ không phải thuộc về chiến đấu của lực lượng vũ trang, do đó đề nghị Ban soạn thảo phải giải thích rõ vị trí của lực lượng cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, là lực lượng chiến đấu thì khi xảy ra vấn đề xung đột trên biển ta có thể nổ súng như là quân đội chứ không phải là là chấp pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, cách giải thích về quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam như dự thảo Luật cũng chưa thật rõ. Cách giải thích này hoàn toàn biểu hiện nhiệm vụ chấp pháp, tức là bảo vệ an ninh, trật tự, nhưng đã đưa vào lực lượng vũ trang thì khi nổ súng sẽ tính là lực lượng chiến đấu.

Phát biểu tại Phiên họp, đại diện Ban soạn thảo, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, chi tiết vào từng điều luật của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời khẳng định Ban soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa những ý kiến này để Luật Cảnh sát biển Việt Nam có sức sống lâu hơn và hiệu quả hơn.

Hồ Hương- Nhóm ảnh