ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN: CẦN XÁC ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG SỐ 1 TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG

03/01/2019

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng”, đặc biệt trong dịp giáp Tết, các hãng hàng không tăng cường số chuyến, số lượt máy bay nhắm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trước nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, ngày 26/12/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Một lần nữa, tầm quan trọng của “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng” mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đang tiến hành giám sát chuyên đề càng được khẳng định, nhất là trong dịp giáp Tết khi mà các hãng hàng không tăng số chuyến, số lượt máy bay.

Đêm 24/12, máy bay mang số hiệu VJ861 của VietJet cất cánh từ sân bay Incheon, Hàn Quốc đi Tân Sơn Nhất đã phải hạ cánh khẩn xuống sân bay Đào Viên, Đài Loan để kiểm tra kỹ thuật.

Rạng sáng này 26/12, chuyến bay VJ513 chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng cũng phải dừng lại.

Nghiêm trọng hơn, trưa ngày 25/12, một chuyến bay khác gặp trục trặc kỹ thuật, đã hạ cánh nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là tối cần thiết 

Một loạt sự cố trong những ngày qua như hạ cánh khẩn cấp, hạ cánh nhầm đường băng hay tạm dừng chuyến bay đã xảy ra đối với hãng hàng không VietJet. Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là tối cần thiết vì nó liên quan đến mạng sống của rất nhiều con người. Việc uy hiếp an ninh, an toàn hàng không tạo ra sự lo lắng cho hành khách cần được làm rõ nguyên nhân và chỉ ra trách nhiệm. 

“Ở đây có 2 bộ phận, thứ nhất là những người làm ở mặt đất để bảo đảm cho máy bay không bị nhầm đường băng. Câu chuyện đó thì cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của bộ phận dưới đất. Thế còn bộ phận trên trời là phi công, nếu như bộ phận dưới đất đã làm hết trách nhiệm, đảm bảo tín hiệu rồi mà anh lơ đễnh đi, xuống đường băng khác thì đó là trách nhiệm của tổ bay, kíp lái”, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng, hệ quả của việc mất an ninh, an toàn hàng không là khôn lường. Những sự cố về an ninh, an toàn hàng không cũng đặt ra vướng mắc trong tổ chức thực hiện và cần thiết giám sát quá trình thực thi pháp luật. Vì vậy, Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng” và giao cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh thực hiện. Ủy ban đã và đang tiến hành, sắp tới sẽ họp, củng cố báo cáo và báo cáo lên Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giám sát tại các Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Trước đó, tại buổi giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với các Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Cổ phần hàng không VietJet, các đơn vị chịu sự giám sát đều khẳng định vấn đề an ninh, an toàn hàng không luôn được đặt lên số 1. Tuy nhiên, tham gia ý kiến về vấn đề này, Thiếu tướng  Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành viên Đoàn giám sát lưu ý không được chủ quan khi thời gian qua vẫn còn 1 loạt các sự cố. “Tất nhiên rẻ thì có những tiêu chí về phục vụ đối với hành khách có thể ở mức độ với tiêu chí rẻ, thế nhưng giá rẻ, an toàn lại không rẻ. Tôi nghĩ nguyên tắc như thế. Tôi đặt vấn đề tại sao một loạt sự cố an toàn hàng không thời gian qua lại liên quan đến VietJet tương đối nhiều” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, thành viên Đoàn giám sát lại cho rằng, liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, cần làm rõ, thống kê về đội ngũ phi công. “ Về đội ngũ phi công, kể cả đội ngũ phi công Việt Nam và nước ngoài, bây giờ tôi biết các hãng hàng không tư nhân hầu như là phi công nước ngoài. Vấn đề này như thế nào thì cần được đánh giá vì cái này rất quan trọng trong đảm bảo an toàn bay” - Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa lưu ý.

Ngành Hàng không góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội và sẽ là “cánh tay” nối dài kết nối 1 đất nước với thế giới. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không cần được xác định tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó. Chuyên đề giám sát “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng” của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội càng cho thấy tính thời sự bởi việc đảm bảo an ninh, an toàn được xác định là quan trọng số một trong lĩnh vực hàng không./.

Khắc Phục