Vai trò của các cơ quan của QH trong hoạt động lập pháp

17/12/2014

Ngày 16 – 17.12, tại TP Huế, Ủy ban Pháp Luật và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Vai trò của các cơ quan của QH trong hoạt động lập pháp.

Trong những năm qua, hoạt động lập pháp của QH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng luật được ban hành ngày càng tăng. Hàng năm, QH xem xét thông qua từ 22 đến 26 luật, riêng Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, QH đã xem xét thông qua 18 luật, cho ý kiến 12 dự án luật khác và thông qua hàng chục nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Chất lượng các luật, nghị quyết do QH ban hành ngày càng được nâng cao; quy trình xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nền nếp; được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Thành tựu lập pháp của QH có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan của QH với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật trước khi trình QH cho ý kiến lần đầu và chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trước khi trình QH thông qua. Tuy nhiên, công tác lập pháp hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của QH trong hoạt động này, để các cơ quan của QH thực sự là các công xưởng hoạt động của QH.

Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám có một số quy định mới theo hướng tách riêng quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo các văn bản pháp luật để cụ thể hóa chính sách. Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc đổi mới quy trình xem xét, thông qua các dự án luật, dự án pháp lệnh như vậy sẽ phân định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta hiện nay; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH trong hoạt động lập pháp. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc phân tích, quyết định chính sách trong hoạt động lập pháp; quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp; việc thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật tại kỳ họp QH; việc bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất hệ thống pháp luật trong quy trình lập pháp; vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật trong công tác lập pháp của QH; chính sách xây dựng pháp luật nước ta hiện nay; vai trò của UBTVQH trong việc cho ý kiến và chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các dự án luật, pháp lệnh; kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài...

(Theo Đại biểu nhân dân)