THƯỜNG TRỰC UỶ BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT TỐ CÁO (SỬA ĐỔI)

01/02/2018

Sáng ngày 01/02, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp nhằm cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự phiên họp.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật tổ chức phiên họp về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức, Trương Minh Hoàng; các thành viên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và lãnh đạo, cán bộ Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 03 kỳ họp. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) do Chính phủ trình trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày báo cáo của Ủy ban Pháp luật tại Phiên họp

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung 63/72 điều, trong đó bổ sung 02 điều, bỏ 06 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất giữa các cơ quan tại các phiên họp, kỳ họp trước đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo; điều kiện thụ lý giải quyết tố cáo; thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; rút tố cáo; cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo…

Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp  chế, Thanh tra Chính phủ, Nguyễn Văn Kim, phát biểu ý kiến tại Phiên họp

Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng phát biểu tại Phiên họp

Tại Phiên họp này, các đại biểu tiếp tục tập trung cho ý kiến, làm rõ một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) như: về hình thức tố cáo (Điều 18), về thời hiệu tố cáo (Điều 25), về cấp giải quyết tố cáo cuối cùng. Ngoài ra, các đại biểu cũng xem xét, cho ý kiến về điều kiện thụ lý tố cáo (Điều 26 mới), quy định “rút tố cáo” (Điều 31), người được bảo vệ (khoản 1 Điều 46), nội dung bảo vệ (khoản 2 Điều 46). Qua thảo luận, về cơ bản, đa số các ý kiến bày tỏ nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo, để bổ sung, hoàn thiện và báo cáo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới.

Quang Minh