Ủy ban Pháp luật thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

14/04/2017

Sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 5, Ủy ban Pháp luật thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, dự thảo Nghị quyết liên tịch có bố cục gồm 4 chương, 25 điều, quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tờ trình nêu rõ việc xây dựng nghị quyết trên cơ sở đảm bảo thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; không làm trở ngại các hoạt động của tổ chức, cơ quan, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan; bám sát các quy định Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là các quy định tại Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phù hợp với quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Ủy ban Pháp luật cho ý kiến tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 ngày 10/3/2017, được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 8 ngày 16/3/2017 và đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Về chủ thể ban hành Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 03 cơ quan có thẩm quyền ban hành dự thảo Nghị quyết. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do đặc thù của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giao 03 cơ quan trên ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 27, Điều 34 và Điều 41 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Do đó, việc quy định 03 cơ quan thống nhất ban hành một Nghị quyết liên tịch là phù hợp với thẩm quyền được giao. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, trong năm 2011 và 2016, các cơ quan nói trên cũng đã ban hành một số Nghị quyết liên tịch về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu tán thành với ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, theo Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể ban hành nghị quyết liên tịch chỉ có hình thức nghị quyết liên tịch giữa 02 chủ thể, không có hình thức nghị quyết liên tịch giữa 03 chủ thể. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại nội dung này.

Về cơ chế phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội với các cơ quan quyền lực nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc cần có sự phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương với kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương với Hội đồng nhân dân cùng cấp theo hướng không trùng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc, một lĩnh vực, một nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức giám sát ở cùng một thời gian, địa bàn nhất định. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát được quy định tại khoản 3, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, theo đó: “Quý IV hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát”.

Đối với quy định về trách nhiệm trả lời kiến nghị, dự thảo Nghị quyết quy định: Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân khi có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội tham dự và trực tiếp nêu kiến nghị thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm trả lời theo quy định của pháp luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có quy định việc đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội được mời tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân khi bàn khác vấn đề có liên quan và được đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần thiết. Mặc dù vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước không có quy định nào giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải có trách nhiệm trả lời kiến nghị trực tiếp của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội. Do vậy, việc quy định như dự thảo Nghị quyết là không phù hợp với Hiến pháp, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và với thực tiễn hoạt động của các cơ quan này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị lược bỏ nội dung này tại khoản 3 Điều 20 và khoản 3 Điều 23 của dự thảo Nghị quyết.

Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, kiến nghị, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là kiến nghị, phản biện của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Do vậy, việc trả lời các kiến nghị này là cần thiết, không thể từ chối. Bên cạnh đó, để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm bảo thể hiện được tính nhân dân, dân chủ, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về đối tượng giám sát, phản biện xã hội vì cho rằng đây là nội dung gắn liền với hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại các chương, mục trong dự thảo Nghị quyết cho cụ thể, khoa học hơn.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá dự thảo Nghị quyết hôm nay đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và thẩm định của Bộ Tư pháp. Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban sẽ tiếp thu, phản ánh đầy đủ kèm theo các phân tích cụ thể để trình xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thu Phương