Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

23/03/2017

Thực hiện chương trình hoạt động của Ủy ban Pháp luật, để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ngày 23/3/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo đóng góp ý về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Hội thảo có sự tham dự của một số vị đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Pháp luật, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; đại diện Tòa án, Viện kiểm sát, Cục thi hành án, Công an một số tỉnh, thành phía Nam, các chuyên gia nguyên là đại biểu Quốc hội, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Nhà nước, các nhà khoa học từ một số trường đại học, viện nghiên cứu.

Ảnh: Tư Long

Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016), dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017) sắp tới. Tại cuộc Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung lớn của dự thảo Luật như: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại được bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả tiền bồi thường; xác định cơ quan giải quyết bồi thường; việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, quyền khởi kiện trực tiếp ra Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng xem xét, đánh giá về sự tương thích giữa các quy định của dự thảo Luật với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số điều khoản cụ thể khác của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự án Luật, bảo đảm chất lượng, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Vụ Pháp luật