ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN SẮP XẾP, THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA 09 TỈNH, THÀNH PHỐ

04/01/2020

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 25, chiều 04/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố có Đề án trình tại phiên họp, đại diện các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Pháp luật

Trình bày tóm tắt Tờ trình các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, về Đề án của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021. Đối với cấp xã: tỉnh Bắc Kạn có 23 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Chính phủ và tỉnh đề nghị sắp xếp tổng số 30/122 ĐVHC cấp xã (chiếm 24,6%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 22/23 đơn vị; số ĐVHC liền kề với đơn vị sắp xếp: 08 đơn vị; tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp 01 đơn vị (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông).

Về Đề án của tỉnh Nam Định, đối với cấp huyện: tỉnh Nam Định không có đơn vị nào thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã: tỉnh Nam Định có 05/299 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tỉnh Nam Định dự kiến sắp xếp tổng số 06/229 đơn vị (chiếm 2,62%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 3/5 đơn vị (để lại 02 đơn vị); số ĐVHC liền kề với đơn vị sắp xếp: 03 đơn vị.

Về Đề án của thành phố Hải Phòng, đối với cấp huyện: thành phố Hải Phòng có 01/15 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp (huyện đảo Bạch Long Vĩ) nhưng đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã: thành phố Hải Phòng có 06 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Thành phố Hải Phòng dự kiến sắp xếp tổng số 12/223 đơn vị (chiếm 5,38%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 06 đơn vị; số ĐVHC liền kề với đơn vị sắp xếp: 06 đơn vị.

Về Đề án của tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp. Đối với cấp xã: Tỉnh Ninh Bình có 03/145 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh dự kiến sắp xếp 05 đơn vị (chiếm 3,45%), trong đó có 03/03 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp và 02 đơn vị liền kề liên quan.

Về Đề án của tỉnh Bến Tre, tỉnh Bến Tre không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã: Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 13/164 đơn vị (chiếm 7,9%). Trong đó, có 06/07 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp (để lại 01 đơn vị) và 07 đơn vị liền kề liên quan. Chính phủ và tỉnh Bến Tre đề nghị chưa sắp xếp xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại vì đây là một xã đảo có vị trí địa lý biệt lập với các ĐVHC khác và đã được hình thành và ổn định từ trước năm 1945 đến nay.

Về Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện băt buộc phải sắp xếp. Đối với cấp xã: Tỉnh có 03 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 02/137 ĐVHC cấp xã (chiếm 1,46%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 2 đơn vị; tỉnh đề nghị chưa sắp xếp 01 đơn vị (thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo). Đồng thời, Chính phủ đề nghị thành lập 04 thị trấn: Hợp Châu, Đại Đình (thuộc huyện Tam Đảo), Bá Hiến, Đạo Đức (thuộc huyện Bình Xuyên) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hợp Châu, Đại Đình (thuộc huyện Tam Đảo) và Bá Hiến, Đạo Đức (thuộc huyện Bình Xuyên).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh, thành phố

Về Đề án của tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã: Tỉnh Quảng Nam có 04 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 06/244 ĐVHC cấp xã (chiếm 2,5%) tại 03/18 ĐVHC cấp huyện của tỉnh. Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 04/06 đơn vị; số ĐVHC liền kề với đơn vị sắp xếp: 02 đơn vị. Chính phủ đề nghị thành lập thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Hương An thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Về Đề án của tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Đối với cấp xã: Tỉnh có 18/159 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp; tỉnh Quảng Bình dự kiến thức hiện sắp xếp 16/159 đơn vị (chiếm 10,06%), gồm 10/18 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chiếm 55 56%) (để lại 08 đơn vị), 02 đơn vị thuộc diện khuyên khích và 04 đơn vị liền kề liên quan với đơn vị sắp xếp. Cùng với đó, Chính phủ đề nghị thành lập thị trấn Phong Nha trên cơ sở nguyên trạng xã Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Về Đề án của tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2018 - 2021. Đối với cấp xã: tỉnh Vĩnh Long có 01/109 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tỉnh Vĩnh Long dự kiến sắp xếp tổng số 07/109 đơn vị (chiếm 6,42%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 01 đơn vị; số ĐVHC thuộc diện khuyến khích: 06 đơn vị, liền kề với đơn vị sắp xếp: 01 đơn vị. Chính phủ đề nghị thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân và thành lập các phường Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu về các Đề án

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của 09 tỉnh, thành phố trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Ghi nhận kết quả sau khi thực hiện sắp xếp tại 09 tỉnh, thành phố này, đã giảm được tổng số 46 ĐVHC cấp xã.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 09 tỉnh, thành phố như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương có giải trình, làm rõ một số vấn đề như việc chưa sắp xếp các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp, tuy đã có lý giải nhưng một số trường hợp chưa thuyết phục; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các ĐVHC.

Đặc biệt, trong số các tỉnh trình đợt này, có tỉnh Nam Định và Quảng Bình chưa thực hiện sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã với cùng lý do là chưa đạt tỷ lệ 50% cử tri đồng ý với phương án sắp xếp, Ủy ban Pháp luật đề nghị các địa phương phải giải trình làm rõ hơn về nguyên nhân cử tri của các xã này không có sự đồng thuận với phương án sắp xếp và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp ĐVHC; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động để bảo đảm việc chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp ĐVHC.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua xem xét các Đề án, ý kiến thảo luận tại phiên họp và giải trình của lãnh đạo các địa phương, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long; đồng thời thống nhất đề nghị thời hạn có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 1/2/2020.

Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý Chính phủ quan tâm chỉ đạo hướng dẫn các địa phương có phương án sắp xếp đơn vị hành chính một cách hợp lý, hạn chế tối đa các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng đề nghị không sắp xếp hoặc sau khi sắp xếp vẫn không bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số mà không có lý do chính đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để bảo đảm sự đồng thuận của người dân trong quá trình sắp xếp; quan tâm đến chế độ chính sách với các địa phương đang được hướng chế độ ưu đãi khác nhau, việc thực hiện chế độ chính sách như thế nào cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, đến nay còn 06 địa phương thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng chưa có đề án sắp xếp gồm Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Tp.Cần Thơ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện các đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng kế hoạch./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức