PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ VÀ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 25 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

04/01/2020

Ngày 04/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra về các Đề an sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của 18 tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các tỉnh có Đề án trình tại phiên họp lần này, đại diện các cơ quan hữu quan cùng các thành viên của Ủy ban Pháp luật.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 25

Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, về Đề án của tỉnh Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng có 03/12 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, Chính phủ và tỉnh Cao Bằng đề nghị sắp xếp 06 đơn vị (chiếm 50%), trong đó, có 03 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 03 đơn vị liên quan liền kề. Đối với cấp xã: Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 76/199 đơn vị (chiếm 38,2%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 52 đơn vị; số ĐVHC thuộc diện khuyến khích: 05 đơn vị; liền kề với đơn vị sắp xếp: 19 đơn vị. Ngoài ra, Đề án của Chính phủ còn đề nghị đổi tên thị trấn Quốc Hùng (huyện Trà Lĩnh) thành thị trấn Trà Lĩnh.

Về Đề án của tỉnh Lai Châu, đối với cấp huyện: Tỉnh Lai Châu có 01 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp (thành phố Lai Châu). Tỉnh dự kiến thực hiện sắp xếp 02 ĐVHC cấp huyện, trong đó có 01 ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 01 ĐVHC liền kề liên quan. Đối với cấp xã: Tỉnh Lai Châu có 03 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến thực hiện sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã, trong đó có 02/03 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chiếm 66,67%) (để lại 01 đơn vị), 02 ĐVHC cấp xã liền kề liên quan.

Về Đề án của tỉnh Gia Lai, đối với cấp huyện: Tỉnh Gia Lai không có đơn vị nào thuộc diện phải sắp xếp. Đối với cấp xã: Tỉnh Gia Lai có 02/222 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh dự kiến sắp xếp 04 đơn vị (chiếm 1,8%), trong đó có 02/02 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp và 02 đơn vị liền kề liên quan.

Về Đề án của tỉnh Tiền Giang, đối với cấp huyện: Tỉnh Tiền Giang có 01/11 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp tuy nhiên Chính phủ và tỉnh Tiền Giang đề nghị chưa thực hiện sắp xếp (huyện Tân Phú Đông). Đối với cấp xã: Tỉnh có 01/173 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến thực hiện sắp xếp 02/173 đơn vị (chiếm 1,16%), gồm 01/01 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chiếm 100%), 01 đơn vị liền kề liên quan.

Về Đề án của tỉnh Yên Bái, đối với cấp huyện: tỉnh Yên Bái có 01/09 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Chính phủ và tỉnh Yên Bái đề nghị sắp xếp 02 đơn vị (chiếm 22,2%), trong đó, có 01 đơn vị thuộc diện bắt buộc và 01 đơn vị liên quan liền kề. Đối với cấp xã: tỉnh Yên Bái có 18/180 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tỉnh Yên Bái dự kiến sắp xếp tổng số 14/180 đơn vị (chiếm 7,78%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 08/18 đơn vị (để lại 10 đơn vị); số đơn vị thuộc diện khuyến khích: 0 đơn vị, liền kề với đơn vị sắp xếp: 06 đơn vị. Chính phủ đề nghị thành lập thị trấn Sơn Thịnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Sơn Thịnh thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Về Đề án của tỉnh Quảng Ngãi, đối với cấp huyện: Tỉnh Quảng Ngãi có 04/14 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sắp xếp 2/4 đơn vị (chiếm14,2%), để lại 02 đơn vị. Đối với cấp xã: Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 17/184 đơn vị (chiếm 9,2%). Trong đó, số ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 8/9 đơn vị (để lại 01 đơn vị), liền kề với đơn vị sắp xếp: 09 đơn vị. Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị giải thể toàn bộ 03 xã (An Bình, An Hải, An Vĩnh) thuộc huyện đảo Lý Sơn. Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Đức Phổ trên cơ sở nguyên trạng huyện Đức Phổ và 08 phường thuộc thị xã trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Đức Phổ và 07 xã: Phổ Hòa, Phố Vinh, Phổ Minh, Phố Ninh, Phố Văn, P. Quang, Phổ Thạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh

Về Đề án của tỉnh Hậu Giang, đối với cấp huyện: Tỉnh Hậu Giang không có đơn vị nào thuộc diện phải sắp xếp. Đối với cấp xã: Tỉnh Hậu Giang có 01/76 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh dự kiến sắp xếp với 03 đơn vị (chiếm 3,9%), trong đó có 01/01 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 02 đơn vị liên quan liền kề.

Chính phủ đề nghị thành lập phường Hiệp Lợi thuộc thị xã Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ 14,05 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.435 người của xã Hiệp Lợi và thành lập thành phố Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ 78,07 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 101.192 người của thị xã Ngã Bảy.

Về Đề án của tỉnh Bình Dương, Chính phủ đề nghị thành lập thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An trên cơ sở nguyên trạng thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An.  Chính phủ thành đề nghị thành lập 04 phường: Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Hội Nghĩa trên cơ sở nguyên trang 04 xã Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Hội Nghĩa thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Về Đề án của tỉnh Tây Ninh, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Hòa Thành trên cơ sở nguyên trạng huyện Hòa Thành và 04 phường: Long Hoa, Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Hòa Thành và các xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung thuộc huyện Hòa Thành; đề nghị thành lập thị xã Trảng Bàng trên cơ sở nguyên trạng huyện Trảng Bàng và sắp xếp 08 ĐVHC cấp xã để thành lập 06 phường: Trảng Bàng, Gia Lộc, An Hòa, Gia Bình, An Tịnh, Lộc Hưng và 01 xã thuộc thị xã Trảng Bàng (giảm 01 xã).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của 09 tỉnh trong việc quán triệt và khân trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 09 tỉnh này, đã giảm được tổng số 04 ĐVHC cấp huyện và 60 ĐVHC cấp xã. .

Hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Các đại biểu cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 09 tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương giải trình làm rõ một số nội dung như một số trường hợp thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp; phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; phương án đầu tư, phát triển, bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn của đô thị…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý một số vấn đề đề thực hiện sắp xếp được thống nhất. Một số vấn đề các thành viên Ủy ban Pháp luật đề cập như các đơn vị sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đủ tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì như thế nào và trong giai đoạn sau có tiến hành sắp xếp nữa không thì chủ trương chung là khuyến khích cho thực hiện. Về một xã hay nhiều xã nhập vào thị trấn, thị xã, thành phố thì coi toàn bộ đơn vị mới là đô thị, với tinh thần khuyến khích thực hiện sắp xếp, tăng đô thị, cùng với đó tăng cường đầu tư để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đô thị.

Trước băn khoăn về bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống nhân dân, tránh thất thoát lãng phí trong sử dụng các trụ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho hay đây là vấn đề được đặt ra trong Nghị quyết của Trung ương. Nhấn mạnh việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là vấn đề phức tạp và cần phải nhìn vào mặt tốt, ưu điểm, cũng như xu hướng chung để thực hiện; trong quá trình đó vừa làm vừa rút kinh nghiệm, củng cố hoàn thiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến giải trình của lãnh đạo các địa phương, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật hoan nghênh sự tích cực, nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và chính quyền các tỉnh trong việc chuẩn bị các Đề án, cơ bản thực hiện đúng chủ trương của Trung ương và quy định của pháp luật.

Qua thảo luận, Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành các phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính theo Đề án và Tờ trình của Chính phủ; thống nhất báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đồng tình với phương án cho phép giải thể và chấm dứt hoạt động chính quyền địa phương ở 3 xã của huyện đảo Lý Sơn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 100% thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất cho phép áp dụng quy định đặc thù về tiêu chuẩn quy mô dân số của của Nghị quyết số 1211 để quyết định việc thành lập thành phố Ngã Bảy.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý đối với 14 huyện thuộc 5 tỉnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện có liên quan đển tổ chức lại cơ quan tư pháp, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao sớm hoàn thiện Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Bảo Yến - Nghĩa Đức