ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 28

12/05/2020

Sáng ngày 12/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc họp phiên toàn thể lần thứ 28. Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).

 

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến

Phát huy những kết quả của việc tổ chức họp trực tuyến từ phiên họp toàn thể lần 27, tại phiên họp toàn thể lần thứ 28, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục tổ chức phiên họp toàn thể thông qua hình thức họp trực tuyến để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tham dự phiên họp, tại Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử - Nhà Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật - Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc. Ngoài ra, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Pháp luật tham gia phiên họp thông qua phần mềm họp trực tuyến; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan theo dõi phiên họp qua hệ thống điện tử.

Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Sửa đổi toàn diện Luật Cư trú

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú.

Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng như đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú khi có các quy định về  đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; trách nhiệm cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú…

Ngoài ra dự thảo Luật còn quy định về các nội dung liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú cơ bản được giữ như quy định của Luật Cư trú hiện hành; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú của công dân; quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; những trường hợp không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới; quy định nơi cư trú của người chưa thành niên, người được giám hộ, của vợ, chồng, của học viên, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, của người làm nghề lưu động có một số chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn; về đăng ký thường trú; về xóa đăng ký thường trú; thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân; đăng ký tạm trú và xóa đăng ký tạm trú; về lưu trú, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng; công tác quản lý nhà nước về cư trú; hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật; Cơ sở dữ liệu về cư trú; việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành.

Tán thành với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành Luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, xem xét điều kiện của hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính khả thi và các điều kiện bảo đảm thi hành và các nội dung cụ thể của dự án Luật như về phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý cư trú; việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương; việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú…

Các đại biểu tham gia phiên họp thông qua hệ thống họp trực tuyến

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về mặt kinh tế, việc thay đổi này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…Hơn nữa, một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước nếu khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử, công tác điều tra dân số sẽ rõ ràng, thuận lợi.

Đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Tuy nhiên theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đào Tú Hoa cũng cần cân nhắc thận trọng khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô bởi nguy cơ nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn. Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đào Tú Hoa cho rằng hiện nay chưa có đủ cơ sở để quyết định bỏ điều kiện riêng đăng kí thường trú vào các thành phố lớn, cần được đánh giá thêm.

Tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong điều kiện hiện nay; đồng thời, cũng giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị cân nhắc trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng trường hợp này nên được phân loại riêng để có biện pháp quản lý phù hợp, không thể áp dụng xóa đăng kí thường trú và có hậu quả pháp lý tương tự như trường hợp người đã chết hoặc mất tích.

Có giải pháp xử lý đối với các thủ tục hành chính gắn với Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và việc bỏ sổ hộ khẩu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đặt vấn đề, Khoản 6 Điều 39 của dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp có quy định “Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng quy định này của dự thảo Luật là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng cơ quan soạn thảo không thể ủy quyền cho các cơ quan khác rà soát và đề nghị sửa đổi các luật có liên quan đến nội dung sửa đổi của Luật này. Trong khi đó, qua rà soát hiện nay có đến 27 thủ tục hành chính được quy định ở các văn bản dưới luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì các nội dung này sẽ được xử lý như thế nào để tạo sự đồng bộ, không ảnh hưởng đến tính khả thi khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm nội dung của dự thảo phù hợp với tính hình thực tiễn và có tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và cho biết qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình uốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh