Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

06/09/2016

Chiều 06/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể mở rộng thẩm tra dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể mở rộng                                        Ảnh: Đình Nam

Tham dự phiên họp còn có đại diện cơ quan soạn thảo, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, đại diện các bộ ngành có liên quan cùng đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tóm tắt về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, việc xây dựng Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhiều quy định mới trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Dự thảo Luật quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

So với luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung một số người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội, người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội, nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh các đối tượng đã được quy định trong Luật trợ giúp pháp lý 2006 là người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạnh, người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ phạm vi và hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý theo đúng bản chất và yêu cầu của trợ giúp pháp lý đó là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, bỏ các hình thực trợ giúp pháp lý khác và bỏ quy định tư vấn pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động.

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ pháp lý.

Ngoài ra, các quy định mới trong dự thảo Luật cũng nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý; tinh gọn, nâng cao hiệu quả tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật trợ giúp pháp lý; đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án luật đầy đủ, nghiêm túc của Ban soạn thảo, trong quá trình soạn thảo đã tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân có liên quan về dự án Luật; tiến hành tập hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc thể chế hóa các quan điểm, chính sách trong các quy định của dự thảo Luật lần này còn nhiều lúng túng, chưa khả thi, những hạn chế, bất cập được nêu ra chưa được giải quyết triệt để.

Về quy định người được trợ giúp pháp lý, các đại biểu tán thành với chủ trương mở rộng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành, phù hợp với các luật được Quốc hội ban hành như Luật người khuyết tật 2010, Luật phòng, chống mua bán người 2011, Luật trẻ em 2016; thể chế hóa chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phúc đáp yêu cầu thực tiễn cuộc sống hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý nhưng thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý.

Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng cần bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em là người bị hại, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người khuyết tật theo ba dạng là tâm thần, khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tán thành với việc mở rộng diện được trợ giúp pháp lý, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng không nên loại trừ đối tượng được trợ giúp pháp lý là người bị nhiễm chất độc hóa học không nơi nương tựa, đồng thời dự thảo Luật cần làm rõ thế nào là “hoàn cảnh khó khăn” để xác định các đối tượng được trợ giúp pháp lý một các cụ thể. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định thủ tục trợ giúp pháp lý sao cho phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng việc mở rộng diện được trợ giúp pháp lý cần có sự chọn lọc. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, quy định về người được trợ giúp pháp lý như quy định của dự thảo luật là hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay. Bởi nếu mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý không chọn lọc, không giới hạn điều kiện, hoàn cảnh thực sự khó khăn sẽ tăng số lượng người được trợ giúp pháp lý, làm tăng chi ngân sách, khó khăn trong bố trí nguồn lực thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của Luật.

Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, các đại biểu cho rằng các quy định của dự thảo Luật chưa đáp ứng được mục tiêu xây dựng luật theo hướng xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Dự thảo Luật đã thu hẹp một cách đáng kể phạm vi người tham gia trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành, cụ thể, bỏ chế định cộng tác viên, thay đổi từ cơ chế đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý sang cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và đăng ký. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc sửa đổi luật xuất phát từ yếu tố chủ quan, tạo sự thuận lợi, dễ dàng cho cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng cho ý kiến và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số nội dung của dự thảo Luật như quy định nâng tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn, điều kiện của luật sư; việc duy trì hoạt động của các Chi nhánh trợ giúp pháp lý; thẩm quyền cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý.

Bảo Yến