Đổi mới quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nâng cao hiệu quả công tác lập pháp

18/03/2016

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Ủy ban Pháp luật và Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD), sáng 18/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có đại diện một số ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước cùng các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu về hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu khai mạc Hội nghị                       Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, song hành với chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt, trong hoạt động lập pháp, việc xây dựng và ban hành luật, pháp lệnh luôn được Quốc hội quan tâm và chú trọng để thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng trong giai hiện nay. Với vai trò là bước khởi đầu của quy trình lập pháp, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến các giai đoạn tiếp theo của quy trình lập pháp. Do đó, việc nghiên cứu quy trình lập pháp nói chung và đổi mới việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng là cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản pháp luật.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại hội nghị, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2016, quy trình này sẽ được thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 với nhiều điểm đổi mới, sáng tạo, phù hợp hơn với thực tiễn.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội gồm các bước: Các chủ thể có thẩm quyền gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội ->Ủy ban Pháp luật tập hợp các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh ->Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh ->Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội -> Quốc hội thảo luận, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Vẫn được tiến hành với các bước nêu trên, tuy nhiên Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã có nhiều đổi mới về tư duy trong việc quy định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cụ thể, luật mới đã bỏ quy định về chương trình xây dựng luật pháp lệnh nhiệm kỳ mà chỉ giữ lại quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Bên cạnh đó, việc lập chương trình được quy định lồng ghép với lập chính sách, từ đó cơ quan trình dự án luật phải hoạch định, phân tích rõ chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, để giúp các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án luật của mình, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã bổ sung một điều quy định về việc đại biểu Quốc hội có quyền lập kiến nghị về luật, pháp lệnh đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đánh giá cao kết quả của công trình nghiên cứu về Quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật tổ chức thực hiện. Các đại biểu nhận định, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội với một thứ tự ưu tiên nhất định luật nào trước, luật nào sau dựa trên sự cần thiết của xã hội, sự thống nhất của hệ thống pháp luật và với một nguồn lực và kinh phí cho phép.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, một số đại biểu cho rằng, quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hiện nay vẫn còn tồn tại một thực tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội còn chưa thật sự chủ động, sát sao trong việc thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách mà việc thẩm tra này vẫn chủ yếu do Ủy ban Pháp luật thực hiện. Do đó, các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong việc tổ chức nghiên cứu, phản biện chính sách và thẩm tra các dự án luật liên quan đến vấn đề mình phụ trách.

Băn khoăn về việc số lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, từ đó một số đại biểu đề nghị cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế bảo đảm vừa có chuyên môn sâu, vừa thành thạo về kỹ năng xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để đội ngũ này có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật.

Chân thành cảm ơn các ý kiến phát biểu cũng như những chia sẻ của các đại biểu tham dự hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng những ý kiến đóng góp trên sẽ là cơ sở để thực hiện tốt hơn việc xây dựng pháp luật nói chung và công tác lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội  nói riêng. Phó Chủ nhiệm cũng hi vọng, trong thời gian tới, với một quy trình lập pháp đổi mới, phù hợp, Quốc hội Việt Nam sẽ ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ tối cao của mình: là cơ quan duy nhất có duyền lập hiến và lập pháp.

Hồ Hương