Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

11/08/2015

Sáng 11/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung xem xét 6 vấn đề gồm: việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật hay giám sát văn bản; về xem xét văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân; về giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Quốc hội mới thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương do đó những nội dung trong luật này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cần bám sát với các quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những nội dung về trình tự, thủ tục, quyền hạn chất vấn, trả lời chất vấn, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân không được đề cập trong Nghị quyết 85/2014 của Quốc hội do đó Luật cần phải tăng cường.

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau về quyền lực thực hiện, trách nhiệm, hiệu lực pháp lý và quy trình. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo xem xét quy định rõ ràng về hai hoạt động này trong Luật.

Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở nước ta và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, quy định như dự thảo Luật (lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan) là phù hợp. Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp, nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc lựa chọn vấn đề chất vấn cần ưu tiên những ý kiến kiến nghị của cử tri, những vấn đề bức xúc gửi đến kỳ họp, những vấn đề xã hội quan tâm rồi mới đến phiếu chất vấn của đại đại biểu Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, trong quá trình chất vấn và giám sát có thể sử dụng hình ảnh, video để minh họa cho các vấn đề chất vấn. Những điều này đã được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả như TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng điều này sẽ rất tốt khi sử dụng các tài liệu, phim ảnh hoặc phương tiện điện tử để báo cáo và minh họa cho việc hoạt động giám sát của các đoàn và đại biểu Quốc hội.

Đa số các đại biểu cũng tán thành với quy định người bị chất vấn phải trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

Về giám sát văn bản hay giám sát văn bản quy phạm pháp luật, nôi dung này còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, việc giám sát ở đây là giám sát việc ban hành văn bản. Ban hành văn bản không chỉ có văn bản quy phạm pháp luật, mà có thể có tất cả những loại văn bản khác.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc giám sát văn bản nếu như tổng kết kể cả khóa XI, khóa XII và khóa XIII cũng là một lĩnh vực còn có những mặt hạn chế, cho nên cần tăng cường hoạt động này. Để có bước đi và tính khả thi trong quá trình thực hiện quy định của luật, trước mắt sẽ thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đối với những lĩnh vực nào cần thiết trong hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu, nghiên cứu và kết luận những vấn đề có liên quan đến những văn bản đó. Như vậy, sẽ đảm bảo vừa sức và cũng phù hợp với hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.

Về giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong lần sửa đổi này sẽ tiếp tục kế thừa pháp luật hiện hành quy định Thường trực Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã đều có thẩm quyền giám sát. Song, về phạm vi giám sát cụ thể của Thường trực Hội đồng nhân dân từng cấp sẽ có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thẩm quyền đã được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội thông qua và phù hợp với vị trí, vai trò và cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân ở từng cấp.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ tiếp tục được hoàn thiện để lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và ý kiến tại các địa phương. Dự kiến, dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới.

Bảo Yến