ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ VÀ MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

12/05/2020

Chiều ngày 12/5, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 28, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 

Tạo động lực phát triển cho thành phố Đà Nẵng

Trước đó, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 45 (tháng 5/2020) về việc sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng.

Tiếp thu Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Dự thảo Nghị quyết quy định về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý về quy hoạch, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước đối với thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền địa phương (cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường). Theo mô hình này, các cấp chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được thiết kế như sau: Tổ chức chính quyền cấp Thành phố: Là một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tổ chức chính quyền cấp quận và cấp phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận và HĐND phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận; UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các quận, phường. Đối với huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND. 

Mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương nêu trên là tương tự với quy định về thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

Về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ đề nghị quy định 04 chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định.

Dự thảo Nghị quyết thì đề xuất phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch Thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Thành phố như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu tham gia họp trực tuyến

Về quản lý tài chính - ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định về ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương: “Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”.

Đồng thời để tạo chủ động, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và trao quyền cho HĐND Thành phố điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các quy định này tương tự như cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền phù hợp

Tại phiên họp thẩm tra, đa số ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, lưu ý việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay thành phố Hà Nội đã được Quốc hội cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp ở các quận nội thành (Nghị quyết số 97/2019/QH14); một số thành phố trực thuộc trung ương cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và mô hình tổ chức chính quyền đô thị như Đà Nẵng, Hải Phòng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền về vấn đề này. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và các thành phố trực thuộc trung ương nói riêng, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền và các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên họp

Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cơ bản tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng cũng như về phạm vi và thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình một cấp chính quyền ở thành phố và hai cấp hành chính ở 06 quận và 45 phường thuộc thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát thật kỹ chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND quận, phường hiện đang quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác để quy định trong Nghị quyết này, bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ của các cơ quan này cho các cơ quan khác một cách đầy đủ, hợp lý, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo, mâu thuẫn hoặc trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn.

Về một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng, Chính phủ đề xuất 04 chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định. Tuy nhiên, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ việc trình Quốc hội xem xét những nội dung này có phải là để thực hiện thí điểm không. Ủy ban Pháp luật cho rằng, trường hợp Chính phủ báo cáo Quốc hội để đề nghị thực hiện thí điểm thì cần nêu rõ thời gian thí điểm để có cơ sở cho việc tổng kết, đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn đối với quy định giao Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Bởi Luật Quy hoạch được ban hành với các quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch tương tự như trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ. Nếu dự thảo Nghị quyết giao cho cơ quan lập quy hoạch điều chỉnh đồng thời là cơ quan tổ chức việc thẩm định (cùng do Chủ tịch UBND thành phố tổ chức thực hiện) thì chưa bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng những lý giải như Tờ trình của Chính phủ chưa rõ ràng, dẫn đến nguy cơ địa phương nào cũng có thể đề nghị áp dụng quy định này. Do đó đề nghị có giải trình làm rõ thêm nội dung này để vừa bảo đảm tạo điều kiện cho thành phố phát triển bền vững những vẫn bảo đảm mục tiêu của Luật Quy hoạch, khắc phục hạn chế trong công tác quy hoạch.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự chuẩn bị của chính quyền thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan hữu quan và qua thẩm tra cho thấy hồ sơ dự án Nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý theo dự kiến chương trình, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 01 Kỳ họp. Do đó, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đại biểu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các báo cáo, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm chất lượng văn bản./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh