ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG

04/09/2018

Tiếp tục chương trình phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng, chiều 04/9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công trần Thị Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp

Trình bày Tờ trình dự án Luật Hành chính công, Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hành chính công trong đó có thủ tục hành chính và dịch vụ công; hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, chuẩn hóa ở tầm luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Thực tế thời gian qua việc ban hành, thực hiện hành chính công nói chung, thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công nói riêng, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc. Cụ thể, thủ tục hành chính được quy định riêng rẽ ở từng đạo luật chuyên ngành, văn bản dưới luật, chưa có quy định về nguyên tắc chung, kết nối, liên thông, chuẩn hóa về thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng chồng chéo không thống nhất giữa các thủ tục ở các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vừa tạo cơ hội cho tham nhũng. Cùng với đó, vấn đề quản lý, cung ứng dịch vụ công mới được quy định sơ sài ở một vài luật, nghị định thiếu quy định một cách cụ thể, rõ ràng, thống nhất trong một đạo luật. Cũng cần quy định trong luật về dịch vụ công, mô hình tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công để làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

Dự án Luật Hành chính công được xây dựng cũng nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và hoạt động của bộ máy công quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Việc xây dựng Dự án Luật cũng dựa trên nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế.

Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh việc xây dựng Luật Hành chính công để trình Quốc hội xem xét thông quan một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thể chể hóa các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cái cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công

Dự án Luật Hành chính công gồm 5 chương, 45 điều, quy định về thủ tục hành chính, dịch vụ công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự quyết tâm, cố gắng, nhiệt tình của Trưởng ban soạn thảo và Ban soạn thảo dự án Luật trong tiến hành các công việc cần thiết để chuẩn bị hồ sơ dự án luật và hoàn thành được khối lượng công việc lớn. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, với nhiều loại tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu đều thống nhất với đánh giá chung của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là dự án luật khó song Ban soạn thảo đã rất cầu thị, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức hữu quan để hoàn thiện hồ sơ dự án luật. So với Tờ trình số 98/TTr-BSTDALHCC ngày 15/8/2017 trình tại phiên họp tháng 8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phạm vi điều chỉnh của Luật được thu hẹp từ 6 nội dung xuống còn 3 nội dung là thủ tục hành chính, dịch vụ công và mối quan hệ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công. Nội dung thể hiện sự nâng cấp trong nhiều quy định ở tầm nghị định mà triển khai có hiệu quả trên thực tế đồng thời bổ sung thêm một số quy định mới chưa được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, các đại biểu đề nghị, cần tổng kết toàn diện các quy định pháp luật liên quan; làm rõ được mối quan hệ của dự án luật với các luật hiện hành; phương án sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật hiện hành, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; xem xét quy định cụ thể về việc chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi; đánh giá cụ thể về định tính, định lượng chính sách về dịch vụ công để lựa chọn phương án tối ưu quy định trong Luật; chuẩn bị các dự thảo văn bản quy định chi tiết để trình đồng thời với dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự cố gắng, trách nhiệm của Ban soạn thảo, ghi nhận sự tâm huyết của Trưởng ban soạn thảo đối với dự án Luật trong suốt thời gian qua. Chia sẻ với những khó khăn khi Ban soạn thảo bắt tay vào làm dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Quốc hội  và Uỷ ban Thương vụ Quốc hội rất tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có thể thực hiện sáng kiến lập pháp của mình. Nhấn mạnh đây là dự án luật khó, phức tạp, đề cập đến một vấn đề có nội hàm rộng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để bảo đảm chất lượng để có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật hành chính công tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào tháng 9/2018.  

Bảo Yến

Các bài viết khác